A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng an toàn và hiệu quả

Internet đóng vai trò là “cầu nối” giúp trẻ gắn kết với thầy cô, bạn bè và tiếp cận với kho kiến thức khổng lồ. Tuy nhiên, khi sử dụng Internet trẻ cũng gặp nhiều những rủi ro, nguy cơ bị lừa đảo hoặc xâm hại thông tin.

40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet

Ngày nay, trẻ em Việt Nam được tiếp cận với thiết bị di động từ rất sớm, bên cạnh đó các em cũng sử dụng Internet như một dịch vụ tất yếu đi kèm với các thiết bị này.

Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng an toàn và hiệu quả

Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em (chiếm gần 25% dân số), trong đó 2/3 có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra số liệu, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày. Chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 -17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.

Đáng chú ý, 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet. Ngoài ra, theo số liệu CyberTip về các trường hợp nghi ngờ trẻ em bị bóc lột tình dục trên mạng Internet, Việt Nam chiếm 2,09% tổng số trên toàn thế giới năm 2019, và 3,88% năm 2020. Tỷ lệ này liên tục cao hơn số liệu của các quốc gia khác trong nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại. Con số này cũng cao hơn dự kiến, vì Việt Nam chỉ chiếm 1,25% dân số thế giới và 1,67% dân số sử dụng Internet trên toàn cầu.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến.

Em Phạm Minh Hiền - học sinh THCS tại Thái Bình chia sẻ, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, em đã từng bị các bạn bắt nạt thông qua bình luận. Mỗi khi Hiền đăng status lên trang cá nhân sẽ có bạn bình luận là em không tốt, thậm chí xúc phạm bố mẹ em. Điều này làm Hiền khủng hoảng, tạo cảm xúc tiêu cực mà em thấy rất khó để vượt qua.

Không chỉ có Hiền, Trung Hiếu học sinh THCS tại Hà Nội cho biết, nghỉ hè ngoài thời gian sinh hoạt hè em hay sử dụng máy tính bảng để chơi trò chơi, xem YouTube, Tiktok.. về chủ đề du lịch, sinh tồn, khám phá thiên nhiên. Tuy vậy khi xem hay bị quảng cáo chèn vào, đa số nội dung đều không phù hợp với lứa tuổi của Hiếu, có những hình ảnh nhìn rất đáng sợ.

Như vậy, trẻ em là đối tượng rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm; Bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp. Thế giới ảo với chức năng ẩn danh đã tạo điều kiện cho những hành vi ứng xử chưa văn minh, thiếu chuẩn mực.

Cần trang bị kiến thức sử dụng Internet an toàn

Dịp nghỉ hè, ngoài việc tìm các lớp sinh hoạt ngoại khoá cho con, nhiều phụ huynh vì lí do công việc thường để con một mình với các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng... Dù có sự kiểm soát của phụ huynh nhưng không tránh được việc các em tò mò truy cập vào những nguồn thông tin xấu, độc hại.

Chị Thu Hà, nhân viên văn phòng, cho biết: “Trong suốt dịp hè, con trai của chị vẫn sử dụng ipad để học tiếng Anh cũng như các khóa học trực tuyến khác. Tuy nhiên, chị rất lo việc con có thể vào các ứng dụng quảng cáo chơi game hoặc truy cập vào các tên miền (một cách vô ý) mà không hề biết. Có lần con đã bị kẻ gian đánh cắp mật khẩu Facebook để thực hiện lừa đảo bạn bè”.

Chuyên gia Công nghệ thông tin Viện CNTT, ĐHQGHN Đỗ Ngọc Minh

Chuyên gia Công nghệ thông tin, Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội Đỗ Ngọc Minh

Thời gian gần đây không ít những trường hợp như con chị Hà đã gặp, thậm chí kẻ xấu đã lừa đảo “trót lọt” số tiền khổng lồ hoặc đe dọa nạn nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc xâm phạm tình dục. Điều đó cho thấy rằng việc trang bị cho trẻ nhận thức về tầm quan trọng của an toàn Internet là hết sức cần thiết.

Chuyên gia Công nghệ thông tin (CNTT) của Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội Đỗ Ngọc Minh chia sẻ: “Để trẻ có thể sử dụng Internet an toàn, tối thiểu nhất cần trang bị cho trẻ các kiến thức về bảo mật tài khoản, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng như học cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội, tránh có những cảm xúc tiêu cực để chia sẻ những bình luận thiếu văn hóa…

Phụ huynh có thể thường xuyên hỏi con về những trò chơi và trang web mà con quan tâm. Tìm hiểu xem con bạn có kết nối và nhắn tin với bạn bè hoặc những người chơi trực tuyến khác không. Hãy ngồi xuống cùng nhau và để con chỉ cho bạn cách chơi, giám sát dưới tinh thần học hỏi”.

Cũng với vai trò đồng sáng lập chương trình Khan Academy Vietnam, ông Minh cho biết, hiện tổ chức The Vietnam Foundation đã chính thức Việt hóa khóa học An toàn Internet từ nền tảng Khan Academy toàn cầu. Khóa học hoàn toàn miễn phí dành cho mọi đối tượng để có thể trang bị các kiến thức để đảm bảo an toàn Internet như: Tìm hiểu về mật khẩu, thông tin định danh cá nhân và bảo mật tài khoản; Tìm hiểu về những điều cần chú ý khi duyệt web, chế độ duyệt web ẩn danh, cookies, những điểm cần chú ý khi chọn trình duyệt, những điểm cần chú ý khi mua sắm và thanh toán trực tuyến; Tìm hiểu về những điều cần chú ý để bảo mật thiết bị và những cách bảo mật thiết bị; Tìm hiểu về các hình thức lừa đảo, tấn công qua mạng, cách phát hiện và phòng ngừa hành vi tấn công qua mạng; Kỹ thuật mã hóa dữ liệu; Giao thức Internet an toàn…

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể hướng dẫn trẻ liên hệ đến các mạng lưới hỗ trợ trong trường hợp cần thiết như: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Trình báo tới cơ quan công an các cấp hoặc gọi đường dây nóng 113 của Công an; Liên hệ Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 1900.969.680...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật