An toàn thực phẩm phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, hành động của cả xã hội
Bên cạnh sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì vai trò của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ trong tuyên truyền, tẩy chay thực phẩm không an toàn vô cùng quan trọng. Vì vậy, hội thảo "Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn” là cơ hội để các em nâng cao kiến thức về thực phẩm, trở thành người tiêu dùng thông thái, quan trọng hơn cả là để mỗi đoàn viên, thanh niên trở thành một tuyên truyền viên về thực phẩm không an toàn.
Nâng cao kiến thức về lựa chọn thực phẩm an toàn
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, trong đó đoàn viên, thanh niên - những công dân gương mẫu, tiên phong trong việc xây dựng thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, vệ sinh, ngày 25/11, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, Đoàn Thanh niên quận Hoàn Kiếm tổ chức hội thảo “Thanh niên nói không với thực phẩm bẩn”.
Bạn Trần Anh Thư, học sinh trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm chia sẻ tại chương trình |
Hội thảo đã mang đến cho bạn trẻ góc nhìn đa chiều và có thêm kiến thức bổ ích về an toàn thực phẩm. Tại hội thảo, các bạn trẻ đã được chuyên gia cung cấp các kiến thức cơ bản nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm như khái niệm thực phẩm bẩn là gì?; Những “nguyên tắc vàng” trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Ý nghĩa của công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bạn trẻ đã trực tiếp chia sẻ ý kiến, đưa ra góc nhìn của bản thân về an toàn thực phẩm; Cách khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm...
Bạn Phan Thanh Lam, học sinh trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Chương trình đã giúp em nâng cao nhận thức đối với vấn đề thực phẩm bẩn. Có những kiến thức lần đầu em được biết đến như cách lựa chọn sản phẩm bao gói sẵn; Bảo quản thực phẩm an toàn; Một số địa điểm tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát với giá cả phải chăng; Biết được một số cách phân biệt cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn và an toàn bằng cách quan sát… Những kiến thức này sẽ giúp chúng em biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn”.
Bạn Phan Thanh Lam chia sẻ, hội thảo đã giúp bạn nâng cao nhận thức đối với vấn đề thực phẩm bẩn |
Trong đời sống giới trẻ, ẩm thực đường phố lại là một phần khônng thể thiếu. Sự phát triển của kinh tế, xã hội và hệ thống logistics, cùng với với nhịp sống bận rộn hơn đã khiến cho thức ăn nhanh, chế biến sẵn là một trong những lựa chọn thay thế các bữa ăn chính một cách dễ dàng và thuận tiện.
Tuy nhiên, loại thực phẩm này cũng có nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm do thường có giá rẻ, quy trình chế biến ngay vỉa hè dễ bụi bặm, không đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng cũng khá "nhập nhèm".
“Giới trẻ chúng em là đối tượng tiêu thụ thực phẩm hằng ngày tương đối lớn nhưng lại ít quan tâm đến nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Một mặt do kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều bạn cứ thấy rẻ là mua. Bên cạnh đó, chúng em có thói quen thức khuya, ăn uống qua loa... lại hay mua đồ ăn tại các quán bán rong. Đồ ăn, thức ăn trên những chiếc xe đẩy được bày sẵn không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất và cũng không được che đậy cẩn thận. Thông qua hội thảo, chúng em đã có thêm kiến thức, góc nhìn đa chiều về thực phẩm không an toàn”, Lam cho hay.
Để mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên về an toàn thực phẩm…
Thời gian qua, có không ít vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh hàng loạt cơ sở chế biến các loại đồ ăn dùng bán cho trẻ em thì có một thực tế nữa là các bậc phụ huynh vẫn trực tiếp mua đồ ăn, thức uống chưa rõ nguồn gốc ở khu vực cổng trường, hoặc cho con tiền để tự mua.
Rõ ràng, không chỉ có học sinh không biết đến tác hại của các đồ ăn này mà ngay cả với người lớn cũng thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm. Rất nhiều phụ huynh vì lý do bận rộn và nhiều lý do công việc nên khoán trắng cho con em mình tự mua đồ ăn tại cổng trường.
Chia sẻ trải nghiệm hãi hùng về một lần bị ngộ độc thực phẩm, bạn Trần Anh Thư, đoàn viên quận Hoàn Kiếm nói: "Có lần chúng em bị ngộ độc thực phẩm cả lớp. Đó là một kí ức đáng sợ khi cả lớp chỉ có 2 bạn đi học. Vì vậy, em rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm tại trường học. Hội thảo rất hữu ích, thời sự. Em cũng biết thêm nhiều kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và tuyên truyền cho cả gia đình".
Bạn Thiên Phúc, học sinh trường THPT Việt Đức cho rằng, thông qua chương trình, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng thực phẩm của mình |
Bạn Thiên Phúc, học sinh trường THPT Việt Đức cho biết, bạn em hay nói là cứ ăn đi rồi sẽ uống thuốc vào là xong. Điều đó thể hiện là ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân của giới trẻ rất thấp. Vì vậy, thông qua chương trình, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng thực phẩm của mình".
Đồng quan điểm, bạn Hoàng Bảo Ngọc, đoàn viên quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Em thấy chương trình hay và rất cần thiết. Hiện nay, thực phẩm bẩn tràn lan, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc học sinh ăn, uống phải thực phẩm bẩn. Vì thế, những chương trình thế này sẽ góp thêm hồi chuông cảnh báo với giới trẻ chúng em, nâng cao nhận thức, lựa chọn thực phẩm thông minh hơn.
Sau hội thảo, em sẽ chia sẻ kiến thức tiếp thu được từ hội thảo với người thân, bạn bè để mọi người kiên quyết nói “không” với thực phẩm bẩn, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình”.