A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

25.000 giáo viên Hà Nội nghe giới thiệu sách giáo khoa lớp 9

Trong hai ngày 24 và 25/2, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội chủ trì, phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 9 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội tới hơn 120 điểm cầu của các nhà xuất bản và các nhà trường. Khoảng 25.000 giáo viên dự kiến được phân công dạy lớp 9 năm học 2024-2025 đã tham dự hội nghị tại các điểm cầu.

Năm học 2024-2025 là năm học thứ tư Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp trung học cơ sở, với học sinh lớp 9 là năm đầu tiên.

Cán bộ, giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa lớp 9 mới
Cán bộ, giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa lớp 9 mới

Hiện tại, học sinh lớp 9 trên cả nước học sách giáo khoa thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 9 gồm 48 đầu sách, được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, làm căn cứ để các nhà trường lựa chọn, đưa vào giảng dạy tại đơn vị mình từ năm học 2024-2025.

Hội nghị nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 9 thành phố hiểu rõ hơn về quan điểm biên soạn, nội dung kiến thức, phương pháp trong từng bản sách, bộ sách của các môn học.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản lưu ý những nội dung, nguyên tắc cơ bản trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 9, trong đó lưu ý điểm mới được áp dụng từ năm học 2024-2025 là các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT vừa ban hành.

Theo đó, giáo viên được trao quyền bỏ phiếu lựa chọn sách trên cơ sở nghiên cứu, nhận xét đánh giá các sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT phê duyệt. Hiệu trưởng nhà trường được trao quyền thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy ở đơn vị mình.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, các nhà trường tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định và bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy, học của nhà trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan