A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng phó với thời tiết phức tạp

La Nina đã và đang tác động đến nước ta. Nam Bộ cũng đang sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông nghiêm trọng. Không có cách nào khác là phải làm tốt dự báo, có các giải pháp ứng phó khả thi...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời tiết đã và đang diễn biến phức tạp. Theo dự báo, một số nơi như Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn, khả năng cao là lũ trên các sông suối, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Mưa lũ, sạt lở đất là loại hình thiên tai phổ biến nhưng rất khó lường, gây thiệt hại nặng nề bậc nhất về người và tài sản, do vậy chúng ta phải hết sức chú ý triển khai các giải pháp phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề rất khó là địa hình các khu vực này rất rộng với đồi núi có độ dốc cao, không thể xây dựng đủ các công trình để ứng phó.

Giải pháp hạn chế rủi ro và giảm nhẹ thiệt hại là cách tốt nhất đối với điều kiện của nước ta hiện nay.

Chính vì thế, tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu. Phải khoanh vùng, xác định nơi nào có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Ngành chức năng và các địa phương phải xác định trọng tâm trên địa bàn, chỗ nào nguy cơ cao thì phải theo dõi, cảnh báo cho người dân, đồng thời triển khai sắp xếp, bố trí dân cư ở nơi an toàn. Đó là đối với vùng núi.

Khu vực đồng bằng, qua đợt ngập, phải xác định chỗ nào là chỗ xung yếu bị ngập, xác định vùng có nguy cơ cao để xây dựng phương án phòng, chống, cảnh cáo cho người dân. Trong một môi trường thường xuyên bị tác động của thiên tai thì cần nhận định được rủi ro và kiểm soát bằng cách tăng cường công tác dự báo, cảnh báo.

Về ý thức, không được làm trầm trọng thêm những nguy cơ thiên tai, tức là tùy vào thực trạng cụ thể của từng địa phương mà phải giải quyết được các vấn đề như không gian cho thoát nước, hành lang thoát lũ của các con sông để không làm trầm trọng hơn những rủi ro khi thiên tai xảy ra. Đối với cơ quan chức năng, cần sẵn sàng lực lượng, phương án cứu hộ, cứu nạn; phát triển lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở để phát hiện và ứng phó kịp thời các tình huống nhằm hạn chế các thiệt hại do lũ, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác.

Người dân, với tư cách vừa là chủ thể phòng, chống vừa là nạn nhân, nếu nguy cơ thiên tai xảy ra, nhất định phải được tuyên truyền, nhận được cảnh báo để chủ động ứng phó, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở núi.

La Nina đã và đang tác động đến nước ta. Nam Bộ cũng đang sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông nghiêm trọng. Không có cách nào khác là phải làm tốt dự báo, có các giải pháp ứng phó khả thi.


Tác giả: Ngô Đức Hành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan