Mưa lớn cực đoan dồn dập kéo theo lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm gia tăng
Theo các nhà nghiên cứu về khí tượng, hiện tượng mưa cực đoan cường suất lớn đang ngày càng gia tăng kéo theo lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm.
Cảnh báo mưa cực đoan cường suất lớn ngày càng gia tăng. Ảnh: Tô Thế
Xu hướng thiên tai lũ quét, sạt lở đất gia tăng
Sáng 25.4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'. Tọa đàm do Cục Khí tượng Thủy văn và Báo Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Quỳnh Chi.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, lũ quét, sạt lở đất là hai trong số những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất, không chỉ về người, tài sản mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với sinh kế, môi trường, hạ tầng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong các năm gần đây cho thấy, xu hướng thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở trung du và vùng núi Việt Nam gia tăng và đòi hỏi cần có những hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống.
Cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại.
"Hiện nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ về công nghệ dự báo, nhưng việc cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tiếp cận để xã, thôn bản cụm dân cư vẫn còn là thách thức lớn, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn ít tiếp cận thông tin, thiếu hệ thống cảnh báo trực tiếp và còn hạn chế trong việc chuẩn bị ứng phó" - Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị làm rõ ngưỡng cảnh báo thiên tai để cộng đồng có thể chủ động hành động, nhấn mạnh yêu cầu thông tin phải xác thực, kịp thời, dễ hiểu và phù hợp với khả năng ứng phó của người dân.
Bên cạnh đó, cần triển khai công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, và thúc đẩy xã hội hóa trong thiết lập các trạm cảnh báo tự động tại cộng đồng có nguy cơ cao.
Ông cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình, đổi mới công nghệ, hoàn thiện chính sách và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đưa sáng kiến thành hiện thực.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo là chìa khóa
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề xuất một số giải pháp. Theo ông Tùng, về thể chế chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường đầu tư vào công trình phòng, chống và hệ thống cảnh báo; đồng thời kiểm soát quy hoạch xây dựng, bố trí lại dân cư gắn với sinh kế.
Về khoa học công nghệ, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lớn, nhất là mưa cực đoan trong thời đoạn ngắn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng bản đồ phân vùng, bản đồ rủi ro lũ quét, sạt lở đất đến cấp thôn, bản phục vụ công tác quy hoạch, bố trí dân cư và ứng phó khi có tình huống. Lắp đặt hệ thống cảm biến đo mưa, cảm biến dịch chuyển đất đá tại các khu vực có nguy cơ cao và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cộng đồng kết hợp giữa thiết bị cảnh báo và công nghệ số.
Ông Mai Văn Khiêm đưa ra các đề xuất để phòng chống thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Ảnh: Vũ Linh
Từ phía cơ quan dự báo, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) đề xuất, cần đẩy mạnh điều tra, khảo sát, phân vùng chi tiết. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định ngưỡng mưa chi tiết cho từng khu vực là rất quan trọng. Từ đó, đảm bảo thông tin cảnh báo kịp thời đến cộng đồng, thôn, bản.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến (AI, Big Data) giúp cảnh báo sớm và chi tiết hơn; tiếp tục cải thiện chất lượng dự báo mưa bằng cách kết hợp dữ liệu đa nguồn.