A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuối năm mưa bão rất phức tạp, khó lường

Sự chi phối của hiện tượng La Nina khiến tình hình mưa bão, lũ lụt những tháng cuối năm nay được đánh giá hết sức phức tạp, khó lường, nhất là ở miền Trung. Đó là chia sẻ của ông Mai Văn Khiêm (ảnh), Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, với phóng viên Tiền Phong về xu thế khí hậu, thời tiết thời gian tới.

Thưa ông, các đài khí tượng thế giới cũng như Việt Nam nhận định như nào về khả năng xuất hiện La Nina thời gian tới? Việc chuyển đổi từ El Nino đầu năm sang pha trung tính vào giữa năm và sau đó là La Nina vào cuối năm có bất thường hay không?

Cuối năm mưa bão rất phức tạp, khó lường- Ảnh 1.

Mưa lớn kỷ lục gây ngập úng nghiêm trọng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2023 Ảnh: N.V

Sau hơn một năm duy trì (tính từ tháng 5/2023), đến nay hiện tượng El Nino đã chấm dứt. Hệ thống khí quyển Trái đất chuyển sang trạng thái trung tính khi nhiệt độ bề mặt nước biển khu vực xích đạo Thái Bình Dương - khu vực Nino3.4 (đặc trưng biểu thị hiện tượng El Nino và La Nina) đạt ngưỡng gần giá trị trung bình.

Các mô hình dự báo hiện nay có sự thống nhất cao, cho rằng hiện tượng La Nina có thể phát triển trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024 với xác suất 65-75%. Sau đó tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất khoảng 80-90%.

Liệu đây có phải hiện tượng bất thường không?

Chúng tôi xin giải thích, hiện tượng ENSO thường trải qua các giai đoạn El Nino, trung tính và La Nina. Sự chuyển đổi giữa các trạng thái này có thể diễn ra trong một năm hoặc kéo dài qua nhiều năm. El Nino và La Nina thường kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

Việc chuyển đổi từ El Nino sang trung tính và sau đó chuyển sang La Nina trong cùng một năm là khá hiếm, nhưng cũng từng xảy ra. Theo số liệu thống kê từ năm 1950 đến nay có 24 chu kỳ El Nino, trong đó có 7 lần ENSO từ trạng thái El Nino chuyển sang trung tính, sau đó chuyển nhanh sang trạng thái La Nina trong vòng một năm, như vậy chiếm xấp xỉ 1/3 trường hợp đã xảy ra.

Theo kinh nghiệm và nghiên cứu, La Nina thường tác động đến thời tiết nước ta như thế nào?

Với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo trên và bắt đầu tác động đến nước ta vào đúng thời kỳ mưa, bão tập trung ở Trung bộ nên khả năng diễn biến bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm 2024 sẽ rất phức tạp, cần phải lưu ý, ứng phó.

Thống kê cho thấy, trong những năm La Nina xuất hiện, lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung bộ và Tây Nam bộ, thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung bộ, nhất là trong các tháng mùa thu. Vì vậy các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Năm 2020, do sự tác động của La Nina, miền Trung trải qua một mùa mưa bão kỷ lục. Năm nay, liệu kịch bản của 2020 có tái diễn ở miền Trung hay không?

La Nina thường gây mưa nhiều hơn bình thường, đặc biệt khu vực miền Trung, tuy nhiên thời tiết không phải năm nào cũng hoàn toàn giống với năm nào vì mưa còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau về mặt hình thái ngắn hạn của thời tiết.

Thống kê trong quá khứ, hiện tượng La Nina xuất hiện thường gắn với các hình thái thời tiết bất lợi gây mưa lũ nhiều, nhưng với số liệu hiện tại thì còn quá sớm để khẳng định mức độ cực đoan có giống như năm 2020 hay không. Các dự báo cụ thể sẽ được cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp trong các bản tin ngắn hạn trước vài ngày dựa trên tính toán và số liệu quan trắc thực tế.

Cảm ơn ông!

Từ cuối tuần, miền Bắc đón mưa lớn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ khoảng ngày 13/7, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ có khả năng đón một đợt mưa lớn diện rộng, cục bộ có mưa rất to. Trước khi đón mưa lớn, từ 11-13/7, khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục có nắng nóng, cục bộ có nắng nóng gay gắt, riêng vùng núi phía Bắc ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Ứng phó sạt lở đất, lũ quét, mưa lớn

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đang vận hành hai hệ thống dự báo, cảnh báo giúp người dân có thể theo dõi trực tiếp tình hình mưa dông và lũ quét, sạt lở đất để có biện pháp ứng phó trong mùa mưa bão.

Trên hệ thống cảnh báo trực tuyến lũ quét sạt lở đất ở địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn, thông tin về lũ quét, sạt lở đất tại 212 xã có nguy cơ cao trên cả nước được cập nhật 30 phút một lần. Theo dõi hệ thống, người dân trong khu vực sẽ biết địa điểm nào đang có nguy cơ cao, rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân lưu ý một số dấu hiệu nhận biết sạt lở đất, lũ quét như mưa lớn kéo dài, trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc xuất hiện các vết nứt, cây cối gần khu vực sống có dấu hiệu bị nghiêng, nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ lòng đất, nước sông suối chuyển màu.

Với thiên tai mưa lớn, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo mưa dông trực tuyến ở địa chỉ hymetnet.gov.vn. Truy cập địa chỉ trên có thể biết được thông tin cụ thể như khu vực nào đang có mưa, cường độ mưa như thế nào. Hệ thống cũng cung cấp bản đồ dông sét theo thời gian thực để người dân chủ động phòng tránh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật