Trung Quốc phản ứng việc bị Ủy ban Thượng viện Mỹ hủy tư cách "nước đang phát triển"
Phản ứng trước việc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật hủy bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc - động thái được cho là sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ song phương, Bắc Kinh gọi đây là “lá bài” nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Phát biểu sau khi Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật hủy bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Uông Văn Bân ngày 9/6 tuyên bố, việc Trung Quốc có phải là một quốc gia đang phát triển hay không không phải do Mỹ quyết định.
“Mỹ muốn áp đặt cái mũ ‘nước phát triển’ cho Trung Quốc không phải vì tán thưởng và khẳng định những thành tựu phát triển của Trung Quốc mà có dụng ý khác, muốn dùng việc tước bỏ tư cách nước đang phát triển của Trung Quốc như một lá bài để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.”
Theo ông Uông, vị thế quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới của Trung Quốc có đầy đủ cơ sở thực tế và nền tảng luật pháp quốc tế vững chắc, không thể bị hủy bỏ chỉ vì một dự luật của Quốc hội Mỹ. Ông Uông nói, các quyền hợp pháp mà Trung Quốc được hưởng với tư cách là một quốc gia đang phát triển không thể bị hủy bỏ bởi các chính trị gia trên Đồi Capitol.
Ông khẳng định, Mỹ không thể xóa bỏ các điều kiện quốc gia cơ bản về việc Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, cũng như không thể ngăn cản nước này phục hưng dân tộc.
Trước đó, ngày 8/6, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật hủy bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ được yêu cầu theo đuổi các nỗ lực nhằm xóa bỏ tư cách đang phát triển của Trung Quốc tại các hiệp ước và tổ chức quốc tế, khiến Bắc Kinh không còn được hưởng các đặc quyền của một quốc gia đang phát triển.
Hồi tháng 3 vừa qua, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này. Nếu được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, dự luật này sẽ chính thức trở thành luật. Đây là động thái được đánh giá có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vốn đang chia rẽ trên hàng loạt vấn đề./.