A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc đối mặt trận chiến thuế quan cam go của ông Trump

Khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp thuế quan vào hôm nay, các nhà sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với một trận chiến cam go.

Trung Quốc đối mặt trận chiến thuế quan cam go của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Mexico và Canada. Ảnh: AFP

Dù trọng tâm của Tổng thống Donald Trump là Canada và Mexico với mức thuế quan 25%, Trung Quốc vẫn là mục tiêu quan trọng. Mặc dù có thông tin về việc hoãn một số mức thuế đến ngày 1.3, Nhà Trắng khẳng định sẽ đánh thuế 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1.2. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa mức thuế lên tới 60% hoặc cao hơn.

Ông Trump tin rằng thuế quan sẽ giúp phục hồi sản xuất và tạo việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu chính sách này được thực thi, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải trả giá cao hơn cho hàng loạt sản phẩm, từ nội thất đến thiết bị điện tử.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Trung Quốc - vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ - sẽ phải tìm cách sống sót.

CNBC đã đến tỉnh Quảng Đông, nơi được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", và chứng kiến các doanh nghiệp ở đây đang tìm mọi cách để thích nghi.

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách né thuế - giá hàng Mỹ tăng vọt

Để tránh bị ảnh hưởng nặng, Harry Li - một nhà sản xuất nội thất tại Phật Sơn - đã đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ trước khi thuế có hiệu lực.

Ông cho biết dù Tổng thống Donald Trump có áp thuế ở mức nào, giá sản phẩm cũng sẽ tăng ít nhất 10% để bù đắp chi phí.

"Chúng tôi buộc phải tăng tốc giao hàng và chấp nhận rủi ro" - Li chia sẻ. Công ty Tianyiled của ông sẽ tạm trữ hàng hóa trong kho tại Mỹ để đợi tình hình rõ ràng hơn.

Công nhân kỹ thuật làm việc trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở quận Tiêu Sơn, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Công nhân kỹ thuật làm việc trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở quận Tiêu Sơn, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Sản xuất “di cư” khỏi Trung Quốc

Không chỉ đẩy mạnh xuất hàng, nhiều doanh nghiệp còn đang tìm cách chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Zheng Yu, chủ một công ty máy lọc nước tại Quảng Châu, đang tìm kiếm địa điểm mới để xây dựng dây chuyền lắp ráp ngoài Trung Quốc.

"Chúng tôi có thể mua linh kiện từ Trung Quốc nhưng sẽ thuê lao động địa phương để sản xuất" - ông nói.

Công ty Tesran của Zheng đang cân nhắc giữa Việt Nam, Malaysia, Mexico và Dubai. Dù chi phí sản xuất tại Dubai cao hơn 30%, ông vẫn nghiêng về lựa chọn này.

"Thị trường trong nước cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi đã muốn mở rộng từ lâu và chính sách thuế của Tổng thống Trump là động lực cuối cùng".

Zheng cũng đang đàm phán với khách hàng Mỹ để chia sẻ gánh nặng thuế quan. Ông hy vọng họ có thể gánh ít nhất một nửa chi phí.

Giới hạn chịu đựng của các công ty Trung Quốc

Hầu hết các doanh nghiệp mà CNBC phỏng vấn đều có mức thuế "chịu đựng" nhất định, dao động từ 20% đến 60%. Nếu thuế vượt ngưỡng này, họ sẽ phải từ bỏ thị trường Mỹ.

Zheng cho biết nếu Tổng thống Trump mở rộng thuế lên tất cả các quốc gia, ngay cả Dubai cũng không còn là lựa chọn.

"Khi đó, Mỹ sẽ không còn trong danh sách thị trường của chúng tôi".

Tại Quảng Châu, Leng Rong - chủ một công ty mỹ phẩm - cũng đang đứng trước nguy cơ rút khỏi thị trường Mỹ.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, công ty Keni của ông đã chịu mức thuế hơn 20%, gây thiệt hại lớn. Với biên lợi nhuận mỏng, Leng chỉ còn cách chuyển chi phí này sang khách hàng.

"Trước đây, ai cũng xem Mỹ là thị trường tiềm năng nhất. Nhưng với những chính sách thiếu ổn định và không thân thiện, sức hút của Mỹ đang giảm dần. Thật đáng tiếc" - Leng than thở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật