A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích cực tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), thời gian qua, Ban Chỉ đạo 06 thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân.

Triển khai nhiều cách làm sáng tạo

Là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã tập trung phát huy các thế mạnh về nguồn nhân lực, triển khai hiệu quả những mô hình thực hiện thủ tục hành chính và có nhiều cách làm sáng tạo như: Thành lập “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, các mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ Nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa...

Một trong những cách TP. Hà Nội triển khai để Đề án nhanh chóng được người dân hưởng ứng là hướng dẫn theo hướng "cầm tay chỉ việc". Theo cách này, tại nhiều địa bàn thuộc TP. Hà Nội, các tổ công tác, đội cơ động tại cơ sở trên địa bàn Hà Nội đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân khi không phải làm thủ tục hành chính trực tiếp.

Tích cực tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" đã mang lại kết quả hữu ích cho phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (địa bàn làm điểm của thành phố). Chia sẻ về quá trình xây dựng và triển khai mô hình này, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường cho biết, UBND phường đã xây dựng, triển khai mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay hướng dẫn từng người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến".

Kết quả mang lại là tất cả công dân sau khi được cán bộ trực tiếp hướng dẫn đều đã biết cách nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến, đều nhận thức được ý nghĩa của việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư. Với những kết quả đạt được bước đầu, UBND phường đã mạnh dạn nhân rộng mô hình, thành lập 8 Đội cơ động tại 8 tổ dân phố với nòng cốt là các tình nguyện viên chính là những công dân sinh sống trên địa bàn.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ diễn ra ngày 21/4 vừa qua, lãnh đạo UBND quận Ba Đình thông tin, quận đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu, trong đó tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là 43.865; Đã tiếp nhận 41.770 hồ sơ; Giải quyết và trả kết quả 39.812 hồ sơ.

Tính đến ngày 28/3/2023, toàn quận Ba Đình đã thu nhận 237.796 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định; Đã trả 223.278 thẻ căn cước công dân cho người dân; Đã thu nhận 159.392 hồ sơ cấp định danh điện tử; Kích hoạt 2.675 tài khoản định danh mức 1 và 50.286 tài khoản định danh mức 2...

Thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, Ban Chỉ đạo Đề án 06 quận và phường, các cơ quan đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06 với tinh thần quyết liệt; Trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống” cũng như an ninh, an toàn thông tin. Đồng thời, quận thường xuyên nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; Đẩy mạnh các tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chíp, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh các mô hình sáng tạo, Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về Đề án 06. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành hơn 10 văn bản hướng dẫn các cơ quan báo chí trung ương và thành phố ký chương trình phối hợp công tác với thành phố; Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền tập trung theo các nhóm nội dung cụ thể.

Vấn đề pháp lý, hạ tầng là “điểm nghẽn” chính

Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ ra 3 điểm nghẽn về pháp lý, nhân lực và hạ tầng, phải khẩn trương tháo gỡ.

Trong 3 điểm nghẽn được Phó Thủ tướng Chính phủ nêu, về nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06, thành phố Hà Nội đã cơ bản bảo đảm, đáp ứng yêu cầu. Trong đó, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Tổ công tác 06...

Đoàn Thanh niên quận Long Biên, Hà Nội ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến

Đoàn Thanh niên quận Long Biên, Hà Nội ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến

Tuy nhiên, trên thực tế tại Hà Nội, vấn đề pháp lý, hạ tầng là “điểm nghẽn” chính dẫn đến bất cập, khó khăn, vướng mắc đối với cả cán bộ, công chức và người dân.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, quá trình triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Giao diện trên Cổng dịch vụ công còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng; Cổng dịch vụ công thường xuyên quá tải, báo lỗi hệ thống trong khung giờ hành chính…

Bên cạnh đó, theo báo cáo tình hình, tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố tháng 3/2023 của Ban Chỉ đạo Đề án 06 Hà Nội, có 26.542 trường hợp dữ liệu bảo hiểm tại khu công nghiệp không tìm thấy công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 314 trường hợp dữ liệu bảo hiểm xã hội thất nghiệp không tìm thấy công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... đã ảnh hưởng đến công tác làm sạch dữ liệu dân cư của thành phố.

Về pháp lý, tại hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, thành phố Hà Nội đã báo cáo 66 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành giải quyết cho thành phố Hà Nội.

Hiện, thành phố đang tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an họp bàn, góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp/hỗ trợ mai táng phí (sửa đổi, bổ sung).

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo 100% đơn vị, địa phương tổ chức đăng ký mô hình điểm về bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” và Đề án 06. Trong đó, thành phố chú trọng xây dựng mô hình triển khai dịch vụ công, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi tại các địa điểm đông người như chung cư, phố đi bộ, trường học, bệnh viện; Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu 100% cơ sở giáo dục, y tế thực hiện…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06. Trong đó, thành phố sẽ khẩn trương số hóa các nhóm dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật