Nhiều tuyến đường Hà Nội rơi vào tình trạng tắc cứng trong kỳ nghỉ lễ
Kỳ nghĩ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Trong ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ và sáng nay (29/4) hàng vạn người đổ về quê, đi du lịch khiến nhiều tuyến đường Hà Nội rơi vào tình trạng tắc cứng.
Từ 15 giờ chiều 28/4, rất đông người chuẩn bị cuộc hành trình rời Thủ đô về quê nghỉ ngơi trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khiến nhiều tuyến đường ken cứng phương tiện.
Tới 16 giờ 30 phút chiều 28/4, nhiều tuyến đường hướng ra ngoại thành trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ do lượng người ngoại tỉnh bắt đầu hành trình rời thành phố về quê. Lượng xe máy, ô tô tăng đột ngột so với ngày thường khiến tại hầu hết những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải ì ạch di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc.
Đường Vành đai 3 tắc cứng 2 chiều đoạn qua địa bàn quận Thanh Xuân |
Dọc các tuyến đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Vành đai 3 trên cao, hay khu vực xung quanh cổng các bến xe Hà Nội, phương tiện nối đuôi nhau, xếp thành hàng dài, còi xe bấm inh ỏi, hàng loạt xe nhích từng mét...
Phía trong quảng trường nhà chờ bến xe Giáp Bát, các xe khách nối đuôi nhau xuất bến, trên xe cũng ken cứng khách. Đông nhất là các tuyến xe về các huyện của địa phương khi số lượng xe không nhiều và nhu cầu người dân đi lại tăng đột biến so với ngày thường.
Đường Giải Phóng đoạn qua bến xe Nước Ngầm hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng tí một |
Đại diện đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi huy động 100% quân số, chốt trực tại những điểm nóng trên địa bàn quản lý. Để phương tiện lưu thông dễ dàng, đơn vị tiến hành phân luồng từ xa đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp là tác nhân gây ùn tắc như dừng đỗ sai quy định, đón trả khách dọc đường hay không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...".
Tại các trạm thu phí trên các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, lượng xe gia tăng nhưng lưu thông bình thường, không xảy ra ùn tắc. Chiều tối 28/4, tại BOT thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, lực lượng CSGT đã ra quân giúp các phương tiện lưu thông bình thường, không để xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, cùng thời điểm này năm trước có khoảng 70 nghìn lượt xe qua trạm. Năm nay, con số này dự kiến lên tới hơn 100 nghìn xe/ngày đêm. Hiện tại, lượng phương tiện trên tuyến đã bắt đầu gia tăng nhưng trạm thu phí vẫn thông suốt.
Đơn vị đã đưa ra các phương án để hạn chế tối đa ùn tắc, đảm bảo giao thông để người dân lưu thông nhanh chóng, an toàn như bố trí nhân sự, cán bộ kỹ thuật thường trực ở làn xử lý sự cố được bố trí 24/24h để giúp chủ phương tiện xử lý các lỗi như không có tiền trong tài khoản, hướng dẫn nạp tiền vào tài khoản giao thông.
Khu vực đầu cầu Chương Dương bị ùn tắc khiến người dân di chuyển khó khăn |
Cũng theo ông Oánh, tổng kết qua nhiều năm trên tuyến cho thấy, người dân chủ yếu đi vào một số thời điểm nhất định, ngày đầu trước kỳ nghỉ lễ thường là vào khung giờ từ 15h - 21h. Với 16 làn thu phí không dừng, đơn vị hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu lưu lượng phương tiện gia tăng trong những ngày nghỉ lễ.
Đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, sẵn sàng xả trạm, chủ động dừng thu phí khi lượng xe ùn tắc trên tuyến tăng cao. Trường hợp hệ thống thu phí không dừng xảy ra sự cố sẽ vẫn cho xe lưu thông qua trạm và trừ tiền sau.
Người dân xếp hàng tại bến xe |
Tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lượng phương tiện tăng nhẹ nên mới chỉ mở 2 làn thu phí không dừng. Lãnh đạo Công ty Khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc Vidifi) cho biết, vào ngày nghỉ lễ, lưu lượng xe trên tuyến khoảng 30 nghìn xe/ngày đêm. Trước ngày các kỳ nghỉ lễ, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và được quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ trên tuyến.
Hệ thống thu phí không dừng đã hoạt động ổn định, người dân đã quen với sử dụng dịch vụ nên việc lưu thông qua trạm thu phí sẽ nhanh hơn. Số làn thu phí không dừng được mở hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông của chủ phương tiện. Những trường hợp không có tiền hay không đủ tiền vẫn cho lưu thông vào cao tốc và hướng dẫn chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản.