Thay đổi diện mạo Đồng bằng sông Cửu Long nhờ mạng lưới cao tốc mới
Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá mạnh mẽ, vươn mình trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Động lực quan trọng cho khát vọng này chính là hệ thống các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng, kỳ vọng mở ra những hành lang phát triển mới, kết nối các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Công nhân thi công phần dầm cầu. Ảnh: Tạ Quang
Cao tốc - cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ - cho rằng, các tuyến cao tốc như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau… đóng vai trò cực kỳ quan trọng và cấp bách trong việc kết nối đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới giao thông của vùng. Khi hoàn thành, các tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.
“Đối với TP Cần Thơ, khi các trục đường bộ cao tốc này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy phát triển cả về nông nghiệp - công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch của thành phố, xứng tầm vai trò là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL”, ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kỳ vọng, các tuyến cao tốc sẽ mang lại những tác động cụ thể, tạo ra những cú hích mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trước hết là thu hút đầu tư, cao tốc tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa, từ đó thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy, công ty, doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Đồng thời, cao tốc giúp kết nối giao thông thuận tiện đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và các cảng biển, tạo điều kiện phát triển du lịch. Việc vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, xuất khẩu được nhiều hơn, thúc đẩy giao thương trong và ngoài vùng. Cao tốc cũng tạo điều kiện phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics, nâng cao năng lực vận tải.
Ngoài mang lại lợi ích về kinh tế, các tuyến cao tốc còn tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống của người dân, giúp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí của thành phố lớn. Đối với doanh nghiệp, cao tốc tạo điều kiện giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, mở ra cơ hội phát triển mới. Thành phố cũng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để họ tận dụng cơ hội từ việc kết nối giao thông thuận lợi hơn.
Theo lãnh đạo TP Cần Thơ, để phát huy tối đa hiệu quả của các tuyến cao tốc, Cần Thơ chú trọng đến việc đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối cao tốc với hệ thống giao thông hiện hữu (đường thủy, đường bộ). Thành phố đã và đang đầu tư các dự án trọng điểm như đường vành đai, các đường tỉnh lộ để kết nối đồng bộ, thông suốt đến các cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, trung tâm đô thị.
Bên cạnh đó, Trung ương và thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả về đường thủy nội địa, đường hàng hải, đường hàng không, đường sắt, tạo điều kiện cho Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng.
Hình hài một số vị trí đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạ Quang
Kỳ vọng tạo động lực đột phá cho vùng cuối trời
Thường trực Chính phủ vừa có quyết định quan trọng về việc triển khai dự án cao tốc Cà Mau - Đất Mũi. Theo Thông báo số 161/TB-VPCP, Bộ Quốc phòng sẽ là đơn vị thực hiện đầu tư tuyến đường có ý nghĩa chiến lược này. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh Cà Mau được giao trách nhiệm thực hiện công tác xây dựng dự án và giải phóng mặt bằng, với yêu cầu khởi công trước ngày 2.9.2025.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi có chiều dài khoảng 90km, quy mô 4 làn xe, chạy song song với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đến thị trấn Rạch Gốc, rồi về Đất Mũi. Hướng tuyến này nhằm tối ưu hóa lợi thế cho việc hình thành và phát huy hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai trong tương lai.
Cao tốc Cà Mau - Đất Mũi được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng của vùng đất địa đầu cực Nam, đồng thời củng cố vững chắc về quốc phòng - an ninh trong khu vực.
* Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỉ đồng.
* Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, gồm 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang (37km, 10.370 tỉ đồng) và Hậu Giang - Cà Mau (73km, 17.152 tỉ đồng). Dự án khởi công tháng 1.2023, dự kiến hoàn thành năm 2025. Theo BQL dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 3.2025, sản lượng thi công toàn dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt hơn 63,6%