A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rà soát, khoanh vùng phạm vi hành lang thoát lũ

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thời gian tới, các địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai rà soát, khoanh vùng phạm vi hành lang thoát lũ trong quy hoạch phân khu sông Hồng, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm...

Tại hội nghị đối thoại giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp thành phố sáng 9/8, ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố thông tin rõ hơn về tiến độ triển khai công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng.

Rà soát, khoanh vùng phạm vi hành lang thoát lũ
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thông tin về công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, thời gian lập đồ án không quá 15 tháng.

Dự kiến trong tháng 9 -10/2023, sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan…. Dự kiến tháng 12/2023, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, lồng ghép cùng báo cáo Quy hoạch Thủ đô.

Định hướng chung về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung vào các nội dung: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại của Thủ đô; Nghiên cứu phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn; Đầu tư phát triển 2 bên đường Vành đai 4 và các trục cảnh quan; Nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), hình thành cấu trúc không gian mới; Quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Về tiến độ triển khai lập quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (Đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) thuộc các quận, huyện: Đan Phương, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.

Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, trục cảnh quan sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho trục cảnh quan chung về giao thông cũng như sự phát triển của hai bên sông trong thời gian tới.

Việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng khu vực trong ranh giới quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đã xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 được duyệt là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực.

Hiện tại, UBND các quận huyện đang thực hiện tổ chức lập Quy hoạch chi tiết các khu dân cư hiện có theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, hiện nay UBND các quận huyện đang nghiên cứu đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực được phép xây dựng làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, thời gian tới, các địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai rà soát, để đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoanh vùng phạm vi khu vực hành lang thoát lũ, đồng thời, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi, chống lấn chiếm vi phạm... Dự kiến cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của Quy hoạch chung Thủ đô thì thành phố sẽ đồng loạt triển khai đối với quy hoạch hai bên sông Hồng. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, đơn vị có liên quan.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan