Quảng Ninh hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt
Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ tới người dân thanh toán không sử dụng tiền mặt từ các chợ truyền thống đến hệ thống thanh toán điện, nước, mua sắm.
Mới đây, đại diện tỉnh Quảng Ninh thông tin địa phương đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong giao dịch trực tuyến, đưa việc thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một thói quen của đời sống xã hội.
Phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống
Cụ thể, Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 5517/UBND-XD6 (ngày 24/10/2022) về triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 13 địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai mô hình điểm ở một số chợ truyền thống, thu về những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận.
Điển hình như chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) đã có 322 gian hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 93,33%); Chợ Trung tâm TP Uông Bí đã hoàn thành cấp mã QR thanh toán không dùng tiền mặt cho 499 hộ kinh doanh (tỷ lệ trên 95%); Chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hoàn thành việc cấp tài khoản thanh toán trực tuyến cho 353 hộ kinh doanh (tỷ lệ 92%); Chợ trung tâm huyện Tiên Yên đã đáp ứng hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% gian hàng...
Khách hàng và các tiểu thương giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt quét mã QR tại chợ Hạ Long 2 (Ảnh: Minh Hà) |
Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai rộng rãi thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân tiếp cận và dần hình thành thói quen sử dụng phương thức thanh toán hiện đại; Góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số của tỉnh.
Cùng với việc từng bước phổ cập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống, từ ngày 1/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các Trung tâm Hành chính công cấp huyện cũng bắt đầu thực hiện không sử dụng tiền mặt trong thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh.
Hiện nay, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 100% TTHC có phát sinh phí, lệ phí đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi giải quyết trực tiếp tại trung tâm hoặc thanh toán trực tuyến khi tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để tăng tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh tích hợp, đồng bộ nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2022.
6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thu gần 4 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC qua các hình thức không dùng tiền mặt (đạt 77,3%); Các trung tâm hành chính công cấp huyện cũng đã thu trên 3,7 tỷ đồng (đạt 93,2%).
Đa dạng hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt
Với quyết tâm đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen tự nhiên trong đời sống kinh tế - xã hội thường nhật, hiện nay, tất cả các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đã chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến.
Tiêu biểu như, Công ty Điện lực Quảng Ninh hoàn thành cấp mã QR thanh toán tiền điện cho 100% hộ sử dụng điện; Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đang trên lộ trình giảm dần việc thu tiền nước trực tiếp, chuyển hoàn toàn sang thanh toán trực tuyến; 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 88,5% trường học trên địa bàn hiện đã kết nối với các ngân hàng triển khai thu học phí bằng phương thức trực tuyến...
Ngoài ra, ngành Thuế cũng đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép người nộp thuế giao dịch và thanh toán điện tử; Đẩy mạnh hình thức nộp thuế qua hệ thống thuế điện tử eTax và eTax Mobile.
Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử (HĐĐT); 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng HĐĐT (đạt 95,7% chỉ tiêu)...
Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Người dân thanh toán phí, lệ phí khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công TX Quảng Yên (Ảnh: Minh Hà) |
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán trực tuyến, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như giảm phí dịch vụ, liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng...
Đồng thời, các ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử. Đến nay, trên địa bàn có 418 máy ATM, 2.347 máy POS, với 2.101 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...
Với các giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2023, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%.
Đến năm 2025, sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Doanh số giao dịch thương mại điện tử tăng bình quân 15%/năm...