Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Rà soát để tháo gỡ vướng mắc quy hoạch bauxite ở Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức rà soát và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-7 về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến chồng lấn quy hoạch bauxite.
Chiều 23-6, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban ngành và đại diện 5 tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương đã phân tích những thuận lợi, khó khăn và đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, vấn đề chồng lấn giữa các dự án phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18-7-2023 được đại diện các tỉnh nêu ra.
Đánh giá về vùng Tây Nguyên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định thời gian qua vùng có nhiều chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, các chỉ tiêu về xã hội đều có sự phát triển khá tích cực.
Hơn nữa, vùng Tây Nguyên đang giữ "lá phổi" của khu vực và cả nước, đang giữ vững nguồn nước ngọt cho khu vực hạ lưu và rất nhiều việc khác chứ không chỉ so sánh về số liệu, về thu ngân sách để so.
Về quy hoạch vùng, Phó thủ tướng khẳng định quan trọng nhất là xác định khung pháp lý có tính chất định hướng để các tỉnh cùng phát triển bền vững theo hướng có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trên tinh thần hợp tác.
Qua kinh nghiệm, ông nhận thấy sự liên kết của các địa phương lân cận chủ yếu xuất phát từ tình cảm, sự gắn bó của lãnh đạo các địa phương đó. Có thể trong buổi gặp mặt nào đó thì lãnh đạo tỉnh bắt tay nhau cùng làm con đường nối 2 địa phương; địa phương nào khá hơn thì gánh phần nhiều hơn về chi phí.
"Nhưng bây giờ chúng ta đã có khung pháp lý trong bình diện cả nước, khu vực và từng địa phương cho câu chuyện này", ông Trần Lưu Quang cho biết.
Phó Thủ tướng nêu rằng có 3 việc mà các địa phương có thể làm ngay được. Thứ nhất là giao thông kết nối, có khi chỉ một con đường dài 30-40 km nhưng sẽ tạo nên sự giao lưu thông thoáng giữa 2 địa phương. Một kinh nghiệm là khi Hải Phòng xây cầu để thu hút nhân công Hải Dương sang làm việc tại các khu công nghiệp của mình. Lợi ích, thành quả và trách nhiệm đều có đủ từ hai phía.
Việc thứ hai đúng với đặc trưng của Tây Nguyên đó là phát triển du lịch theo chuỗi và mỗi sản phẩm du lịch phải có những nét độc đáo riêng có của địa phương. "Nói giản dị là không đụng hàng. Nếu đụng hàng thì người ta không đi theo tour nữa", Phó thủ tướng lưu ý.
Việc thứ ba khó hơn là chia sẻ nhau trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nếu có một nhà đầu tư lớn, 2-3 tỉnh có thể ngồi lại bàn bạc chia sẻ dự án, có thể với góc độ địa phương thì có tỉnh sẽ thiệt thòi một chút nhưng bình diện chung là phát triển cả khu vực sẽ thu lợi lớn.
Đối với quy hoạch vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cho rằng đó là "nói chuyện tương lai" của 26 năm tới. Nói chuyện ngày mai đã khó, nói mà chính xác trong từng ấy thời gian là rất tương đối. Cho nên, ông đề nghị các địa phương phải thường xuyên rà soát để phát hiện những bất cập, đề xuất điều chỉnh để có được khung pháp lý hợp lý.
Phó thủ tướng khẳng định, Trung ương đã chuẩn bị nguồn lực, kể cả cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên và đề nghị các địa phương phải nỗ lực cố gắng hơn, chủ động hơn.
Vấn đề vướng mắc chồng lấn quy hoạch khai thác bauxite mà các tỉnh kiến nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cam kết sẽ cố gắng và cần sự phối hợp của các địa phương, đặc biệt là đại biểu quốc hội của các địa phương, đưa được tiếng nói, nguyện vọng của địa phương mình đến các cơ quan có trách nhiệm trong việc xử lý.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 5 địa phương tổ chức rà soát lại và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-7 về việc xử lý các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite.