A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí đưa tin phải mới, nhanh, chính xác và đứng về phía sự thật

Trong bài viết “Cơ chế “lưỡng tính” là cải cách có tính đột phá cho báo chí” của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam có một ý quan trọng: “Trước đây, chỉ có báo chí viết bài, nay nhiều người viết trên mạng thì báo chí phải có công cụ công nghệ để đánh giá được xu thế thông tin, tâm trạng người dân trên không gian mạng để viết bài định hướng dư luận”.

Với sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay, việc viết bài đưa tin không còn là chuyện “độc quyền” của báo chí, mà bất cứ ai cũng có thể tham gia. Có nhiều thông tin báo chí không theo kịp mạng xã hội, đó là thực tế của nghề làm báo trong thời đại số. Và phải thấy rằng, áp lực của mạng xã hội lên báo chí ngày càng gay gắt, bắt buộc phóng viên của các cơ quan báo chí phải cố gắng hết sức mới kham nổi công việc của người làm báo, đó là: Mới, nhanh và chính xác.

Báo chí có thế mạnh riêng, đó là luật quy định phải đưa tin chính xác và đó chính là sự tin cậy mà bạn đọc gửi gắm. Nếu như một số tin tức trên mạng xã hội nhanh, nhưng độ tin cậy không cao, thì báo chí đưa tin phải chính xác, có nguồn tin, có căn cứ và có kiểm chứng.

Nếu như nhà báo, các cơ quan báo chí không giữ được thế mạnh này thì sẽ không giữ được bạn đọc.

Ngoài việc đưa tin chính xác, người làm báo còn có thêm trách nhiệm “định hướng dư luận” hiểu theo nghĩa tích cực, khi xuất hiện những luồng thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội. Trên thực tế, đã có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị mạng xã hội tấn công, bắt nạt, nói sai sự thật. Cá nhân chịu oan ức, doanh nghiệp chịu thiệt thòi, ảnh hưởng đến thương hiệu, sản phẩm, thậm chí sập tiệm. Đối với những trường hợp này, tiếng nói khách quan, công tâm, trung thực của báo chí rất cần thiết.

Mạng xã hội cũng là không gian để người dân nói lên tiếng nói phản biện, góp ý, nêu những sai trái bất công để các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý vào cuộc giải quyết, xử lý. Nhưng cũng không ít người lợi dụng mạng xã hội, đưa những thông tin xấu, độc, làm ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, sự ổn định của đất nước. Đối với những trường hợp này, nhà báo phải có tiếng nói phản biện, công tâm, thuyết phục, đứng về phía sự thật.

Ngoài phản biện với thông tin xấu độc, báo chí phải đấu tranh với cái xấu, cái ác, với tiêu cực tham nhũng và lãng phí. Không làm được những việc này, nhà báo không phải là người đứng về phía sự thật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan