A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Trong suốt 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Và để báo chí tiếp tục thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Phóng viên Báo Lao Động tác nghiệp thi tốt nghiệp THCS năm 2024. Ảnh: Tô Thế

Thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng

Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam tròn 100 năm. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu với báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2024).

Tuy nhiên, để báo chí thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình, các cơ quan báo chí phải giải được “bài toán khó khăn về kinh tế báo chí”. Thời gian qua, cùng với sự khó khăn của nền kinh tế quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế trong nước và tác động tới hoạt động của các cơ quan báo chí. Kinh tế báo chí khó khăn và vướng mắc cũng là nội dung được nhắc tới nhiều trong các diễn đàn của những người làm báo.

PGS.TS Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) - nhận định, trong nền kinh tế thị trường, cơ quan báo chí chỉ có thể vận hành hoạt động kinh tế linh hoạt nếu như có vị thế của một doanh nghiệp. Nhất là với các cơ quan báo chí chính trị chủ lực, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải thực hiện nhiệm vụ báo chí, vừa phải chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Cùng với đó, có nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền. Vì thế, cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế và các cơ chế ưu đãi bám sát với thực tiễn thị trường, để cơ quan báo chí có thể tập trung tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

“Để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng” - PGS.TS Bùi Chí Trung nêu ý kiến.

Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí

Trong bài phát biểu với báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nêu cơ chế “lưỡng tính” của báo chí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ quan báo chí vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.

Nhưng cơ quan báo chí bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ chế của thị trường. Vì vậy, cơ quan báo chí cũng phải hoạt động như doanh nghiệp.
“Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: Vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp. Nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận” - Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nêu.

Bộ trưởng Bộ TTTT cũng nhắc tới việc thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Theo bộ trưởng, trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của một mình các cơ quan báo chí. Thì nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, truyền thông chính sách phải được coi là một chức năng, một nhiệm vụ, một việc của chính quyền các cấp và do vậy, chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt làm công tác truyền thông và có ngân sách thường xuyên hằng năm để thực hiện nhiệm vụ này thông qua đặt hàng báo chí.

Ngân sách này chính là nguồn để đặt hàng các cơ quan báo chí. Bộ TTTT trên cơ sở này đã ban hành một kế hoạch hành động về kiện toàn bộ máy làm công tác truyền thông các cấp, hướng dẫn bố trí ngân sách và sửa các thông tư liên quan về định mức kinh tế - kỹ thuật để các chính quyền các cấp có thể đặt hàng báo chí.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan