Ông Trump muốn tàu Mỹ qua kênh đào Panama, Suez miễn phí
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cho các tàu thương mại và quân sự của Mỹ được qua lại miễn phí tại kênh đào Panama và Suez - 2 tuyến hàng hải chiến lược.
Tàu hàng đi qua kênh đào Panama, gần thành phố Panama, Panama, ngày 28.8.2024. Ảnh: Xinhua
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: "Nếu không có Mỹ, những kênh đào này đã không tồn tại".
Ông Trump nhấn mạnh rằng Washington có quyền đặc biệt tại cả 2 tuyến vận tải quan trọng bậc nhất thế giới, đồng thời khẳng định đã chỉ đạo Ngoại trưởng Marco Rubio "ngay lập tức xử lý và ghi nhận tình hình này".
Trong khi vai trò lịch sử của Mỹ trong việc xây dựng và vận hành kênh đào Panama sau khi dự án ban đầu của Pháp thất bại là điều không thể phủ nhận, thì lời khẳng định của ông Trump về kênh đào Suez lại khiến nhiều nhà quan sát ngỡ ngàng.
Kênh đào Suez - nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ - là công trình do kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps khởi xướng từ những năm 1850, hoàn toàn không có sự tham gia của Mỹ.
Sau nhiều thăng trầm lịch sử, từ việc Pháp và Anh kiểm soát cho tới khi Ai Cập quốc hữu hóa vào năm 1956, kênh đào Suez hiện nay là tài sản của Ai Cập.
Sự liên hệ duy nhất giữa Mỹ và kênh đào Suez, nếu có, chỉ là vai trò hỗ trợ quốc tế trong chiến dịch rà phá thủy lôi sau cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel - một chi tiết khiêm tốn nếu so với tuyên bố mà ông Trump đưa ra.
Kênh đào Suez hiện vận chuyển khoảng 12% tổng thương mại toàn cầu, là huyết mạch kết nối châu Âu, châu Á và châu Phi.
Một tàu chở hàng di chuyển trên kênh đào Suez ở tỉnh Ismailia, Ai Cập, ngày 13.1.2024. Ảnh: Xinhua
Tham vọng của ông Trump "thu hồi" quyền kiểm soát các kênh đào chiến lược không phải mới xuất hiện. Trước đó, ông đã nhiều lần đe dọa "lấy lại" kênh đào Panama, vốn được Mỹ xây dựng đầu thế kỷ 20 nhưng đã được chuyển giao hoàn toàn cho Panama từ năm 1999 theo hiệp ước Torrijos-Carter.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tuyên bố điều động nhiều tàu chiến, máy bay, lực lượng bảo vệ bờ biển tới khu vực kênh đào Panama, được gọi là "những bước đầu tiên đầy táo bạo nhằm tái thiết quan hệ quốc phòng" giữa hai nước.