A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước cờ lạnh lùng khi Mỹ bắt tay Nga hồi sinh Nord Stream

Mỹ và Nga có thể bắt tay hồi sinh Nord Stream - một kịch bản dường như phi lý nhưng không thể không xảy ra.

Nước cờ lạnh lùng khi Mỹ bắt tay Nga hồi sinh Nord Stream

Đường ống dẫn khí Nord Stream. Ảnh: AFP

Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang đến một thay đổi không tưởng trong chính trị năng lượng toàn cầu: Mỹ và Nga có thể bắt tay hồi sinh đường ống dẫn khí Nord Stream.

Viết trên RT, ông Igbal Guliyev, Phó Giám đốc Viện Quốc tế về Chính sách Năng lượng và Ngoại giao tại Đại học MGIMO cho rằng, thoạt nghe, đây là một giả thuyết phi lý - Washington từng quyết tâm bóp nghẹt ngành khí đốt Nga, trong khi Mátxcơva đang xoay trục sang châu Á. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy cánh cửa đàm phán có thể đang mở ra.

Mỹ đổi chiến lược?

Trong nhiều năm, chính sách của Mỹ đối với Nord Stream rất rõ ràng: Ngăn chặn bằng mọi giá. Washington không chỉ trừng phạt các dự án khí đốt Nga mà còn thúc đẩy xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu để thay thế nguồn cung từ Mátxcơva.

Nhưng thực tế lại cho thấy: Châu Âu chưa thể cắt hoàn toàn khí đốt Nga, hạ tầng nhập khẩu LNG vẫn chưa đủ, nhiều nước thiếu trạm tái hóa khí.

Khí đốt Mỹ đắt hơn Nga, trong bối cảnh châu Âu đang kiệt quệ vì giá năng lượng cao thì một lựa chọn rẻ hơn trở nên hấp dẫn.

Bên cạnh đó, cạnh tranh toàn cầu đang thay đổi - khi Trung Quốc và Ấn Độ tăng mua LNG, Mỹ có thể định hướng lại thị trường và xem xét Nord Stream như một "cửa thoát hiểm".

Nếu Washington thực sự cân nhắc tái hợp tác với Nga, đó không phải vì thiện chí, mà là một nước cờ lạnh lùng nhằm cân bằng lợi ích kinh tế và địa chính trị - ông Guliyev nhận định.

EU rạn nứt

Châu Âu đã tuyên bố muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng nội bộ vẫn bất đồng sâu sắc.

Đối mặt với khủng hoảng năng lượng, Đức - nền kinh tế đầu tàu EU - chịu áp lực từ các tập đoàn công nghiệp đòi nguồn cung ổn định, giá rẻ. Một sự tái mở cửa "ngầm" với Nord Stream có thể là phao cứu sinh.

Về phần Pháp, dù đầu tư mạnh vào năng lượng hạt nhân, Paris vẫn cần một chính sách linh hoạt để giữ vững nền kinh tế.

EU chia rẽ về việc mở lại Nord Stream. Ảnh: AFP

Trạm tiếp nhận khí đốt ở Lubmin, Đức, ngày 30.8.2022. Ảnh: AFP

Trong khi đó Ba Lan và các nước Baltic quyết liệt phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với Nga, lo ngại Mátxcơva sẽ tái lập ảnh hưởng ở Đông Âu về mặt năng lượng.

Nếu Mỹ thực sự thương lượng với Nga, EU có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ, chia rẽ giữa phe thực dụng và phe cứng rắn với Mátxcơva.

Nga được - mất gì nếu bắt tay với Mỹ?

Bắt tay với Mỹ hồi sinh Nord Stream, Nga có thể khôi phục một thị trường xuất khẩu chiến lược. Dù Nga đang xoay trục sang châu Á thì châu Âu vẫn là nguồn thu khổng lồ.

Bên cạnh đó, Nga có thể tránh được việc các khách hàng châu Á ép giá khi mua khí đốt, từ đó gia tăng nguồn thu, hỗ trợ nền kinh tế Nga đang chịu sức ép từ lệnh trừng phạt.

Ngược lại, có thể có những rủi ro nhất định. Mỹ có thể kiểm soát một phần đường ống dẫn khí khiến Nga mất chủ động.

Bên cạnh đó là các điều kiện chính trị từ Washington - bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể đi kèm với yêu cầu nhượng bộ. Chưa kể đến sự thiếu chắc chắn của Mỹ, bởi khi chính quyền thay đổi, Nga có thể một lần nữa bị dồn vào thế khó.

Dù một thỏa thuận Mỹ - Nga về Nord Stream vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng thực tế là nó đang được thảo luận một cách nghiêm túc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật