Số phận hàng không thế giới giữa vòng xoáy thuế quan Mỹ
Giữa làn sóng thuế quan của Mỹ, CEO một hãng hàng không châu Âu tin rằng máy bay thương mại sẽ không bị ảnh hưởng, nhờ những tín hiệu tích cực từ Boeing.
Ryanair - hãng hàng không giá rẻ của Châu Âu. Ảnh: AFP
Reuters đưa tin, CEO của Ryanair - hãng hàng không giá rẻ của châu Âu - ông Michael O’Leary khẳng định máy bay thương mại sẽ không bị cuốn vào căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn, bao gồm châu Âu.
Ông O’Leary lập luận, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không áp thuế đối với máy bay thương mại, do ông có nhiều dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ đối với Boeing - một trong những nhà sản xuất máy bay chở khách lớn nhất của Mỹ.
Sau cuộc gặp trực tiếp với CEO Boeing Commercial Airplanes, bà Stephanie Pope, ông O’Leary tiết lộ, Boeing cũng tin sẽ không có thuế quan đối với máy bay và linh kiện. Tuy nhiên, ông không nói rõ Boeing đã đi đến kết luận này bằng cách nào, cũng như liệu họ có nhận được thông tin từ chính quyền ông Trump hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, ông O’Leary cũng đề cập đến kế hoạch phục hồi sản xuất và quá trình thúc đẩy cấp chứng nhận an toàn - vốn đã bị trì hoãn từ lâu - cho dòng máy bay 737 MAX 10. Đây là mẫu máy bay chủ lực của Boeing nhằm cạnh tranh với đối thủ Airbus đến từ châu Âu.
Theo ông O’Leary, Ryanair dự kiến nhận được 15 chiếc MAX 10 đầu tiên vào năm 2027. Tuy nhiên, nếu Boeing không đạt được chứng nhận trong năm nay, dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, hãng cam kết sẽ cung cấp mẫu MAX 8 thay thế.
Dù việc bàn giao MAX 10 vẫn chưa chắc chắn, CEO Ryanair vẫn bày tỏ niềm tin vào Boeing. Ông O’Leary ca ngợi đội ngũ lãnh đạo hiện tại của hãng và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong những năm tới nếu “không có điều gì bất ngờ xảy ra”.
Tổng thống Mỹ công bố dự án phát triển tiêm kích thế hệ 6 F-47. Ảnh: AFP
Trong một diễn biến khác, ngày 21.3, Boeing được Tổng thống Trump chọn làm nhà thầu cho dự án sản xuất máy bay chiến đấu F-47, với tổng giá trị lên đến 50 tỉ USD.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định, khoản tiền này là “phao cứu sinh” đối với Boeing trong bối cảnh công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và hàng loạt bê bối liên quan đến an toàn hàng không.
Quyết định của ông Trump gây bất ngờ trong giới quan sát ngành công nghiệp. Nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về kinh nghiệm hạn chế của Boeing trong công nghệ tàng hình, cũng như những thách thức mà hãng đang gặp phải với các dự án quốc phòng khác.
Nhà phân tích Ron Epstein của Ngân hàng Mỹ nhấn mạnh, Boeing sẽ cần tuyển dụng thêm nhiều kỹ sư trình độ cao để thực hiện thành công dự án F-47, nhất là trong bối cảnh công ty “không còn là trung tâm sản xuất tiêm kích như trước đây”.