EU bức xúc vì bị gạt khỏi đàm phán về Nord Stream
EU bức xúc khi phát hiện Nga và Mỹ bí mật thảo luận về khả năng khôi phục Nord Stream mà không có sự tham gia của Liên minh châu Âu.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong quá trình thi công. Ảnh: Gazprom
Theo Politico, các nhà ngoại giao EU gọi việc đàm phán về Nord Stream mà không có tiếng nói của châu Âu là "điên rồ". Họ khẳng định rằng đây là vấn đề "hoàn toàn thuộc về châu Âu" và lo ngại chính quyền Mỹ đang tìm cách gây thêm sức ép lên EU.
“Mỹ đang cố ép chúng tôi vào đường cùng bằng một tầng phụ thuộc mới” - một quan chức EU bức xúc.
Trước đó, TASS đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận rằng Mátxcơva và Washington đang thảo luận về Nord Stream. Theo ông Lavrov, sẽ rất thú vị khi xem liệu Mỹ có sử dụng ảnh hưởng của mình đối với châu Âu và buộc châu Âu không từ chối khí đốt Nga hay không.
Trái ngược với những động thái từ Nga và Mỹ, EU vẫn kiên trì với kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ Nga, bao gồm cả khí đốt Nga. Ủy ban châu Âu tuyên bố đang tiếp tục thực hiện chiến lược này, bất chấp việc nền công nghiệp châu Âu lao đao vì thiếu năng lượng giá rẻ.
Mặc dù EU đã thay thế một phần khí đốt Nga, nhưng chủ yếu là buộc phải giảm mức tiêu thụ chung. Theo ông Igor Yushkov, chuyên gia tại Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Nga và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, tiêu thụ khí đốt ở EU đã giảm khoảng 90 tỉ m3 trong giai đoạn 2022 - 2023, khiến nhiều nhà máy đóng cửa vì không thể cạnh tranh.
Ngày 26.9.2022, ba trong bốn tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream đã bị phá hủy trong một vụ nổ chưa từng có, chỉ còn một nhánh của Nord Stream 2 nguyên vẹn. Nga đã mở cuộc điều tra về "hành vi khủng bố quốc tế", nhưng đến nay chưa có kết luận chính thức.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong quá trình thi công. Ảnh: Xinhua
Trong khi đó, nhiều chính trị gia và doanh nghiệp Đức đang hối thúc chính phủ Berlin cân nhắc khôi phục nhập khẩu khí đốt Nga để đảm bảo an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, theo phái đoàn ngoại giao Nga tại Đức, "hiện không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Berlin đang xem xét lại lập trường hiện tại của mình, vốn vẫn ưu tiên các cân nhắc chính trị hơn lợi ích kinh tế quốc gia".