Nguy cơ Mỹ vỡ nợ tăng hơn gấp 3 lần kể từ đầu năm, chuyện gì đang xảy ra?
Các nhà đầu tư đang đổ xô vào một công cụ tài chính để phòng trường hợp xấu xảy ra.
Theo một thông báo gần đây từ công ty tài chính MSCI, nguy cơ vỡ nợ thảm khốc của Mỹ đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ đầu năm đến nay.
Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ vào giữa tháng 1. Kể từ đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để tránh vỡ nợ và duy trì ngân sách cho chính phủ đến khoảng tháng 6.
Giờ đây, đồng hồ đang điểm để Quốc hội Mỹ đi đến những thỏa thuận và thông qua dự luật chi tiêu để tránh vỡ nợ đối với Mỹ. Một số nhà đầu tư đang cảm thấy hoang mang và bắt đầu đổ xô vào các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đối với khoản nợ một năm của chính phủ Mỹ.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) là một hình thức bảo hiểm trong trường hợp các tổ chức đi vay không có khả năng thanh toán nợ khi đáo hạn.
Các công cụ tài chính này đã được một số nhà đầu tư sử dụng thành công khi đặt cược vào thị trường nhà đất năm 2008, trong đó có cả Michael Burry của Scion Capital.
MSCI cho biết “Nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc tranh luận về trần nợ năm 2013”. Công ty cũng nhấn mạnh rằng xác suất vỡ nợ đã tăng từ 3,3% vào đầu tháng 1 lên 11,3% vào tuần trước.
Mặc dù sự gia tăng của CDS đối với trái phiếu chính phủ Mỹ nhanh và ồ ạt, đây không phải là điều chưa từng xảy ra. Mức tăng CDS đang gần bằng mức từng được ghi nhận trong các cuộc tranh luận về trần nợ năm 2011 và 2013. Trong những lần đó, Quốc hội đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để tránh vỡ nợ.
MSCI cho biết: “Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận lập pháp, khối lượng giao dịch CDS đối với chính phủ Mỹ có thể tiếp tục tăng lên khi mùa hè đến gần và khả năng lỡ hạn thanh toán đối với Kho bạc Mỹ sẽ lớn hơn”.
Trong kịch bản chưa từng có là Mỹ không trả được nợ, hậu quả sẽ còn vượt xa hơn cả vấn đề của những người nắm giữ trái phiếu không được thanh toán.
Một vụ vỡ nợ có thể khiến nền kinh tế ngưng hoạt động, gây ra những biến động cực độ về lãi suất. Vì phần lớn các mức lãi suất trên thế giới đều bị ảnh hưởng một phần bởi bản chất “không có rủi ro” của nợ chính phủ Mỹ. Ngoài ra, hàng triệu người cao niên sẽ đối mặt nguy cơ mất trợ cấp an sinh xã hội.
MSCI cho biết: “Sự xáo trộn của thị trường và sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế đều là những nguy cơ có thực” trong trường hợp Mỹ vỡ nợ.
Theo MI