Nga bác bỏ tối hậu thư, phản ứng trước lệnh trừng phạt của EU
Nga nói sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul, nhưng kiên quyết từ chối mọi điều kiện tiên quyết, bao gồm cả yêu cầu ngừng bắn.
![]() |
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. |
Phát biểu với các nhà báo hôm 12/5, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Nga quyết tâm tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine, giải quyết tận gốc rễ của cuộc xung đột, bao gồm việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Kiev tại Istanbul, nhưng sẽ không cho phép mình bị nói bằng "ngôn ngữ của tối hậu thư".
Trước đó, vào ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, như người phát ngôn Điện Kremlin đã nêu rõ lập trường của Moscow: đối thoại với Kiev chỉ có thể diễn ra trên cơ sở bình đẳng, không áp đặt các yêu cầu bên ngoài.
Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, định dạng đàm phán tại Istanbul, nơi các cuộc tham vấn đã được tổ chức vào tháng 3/2022, vẫn là lựa chọn ưu tiên.
Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng, lập trường hiện tại của Nga đã tìm được sự đồng thuận giữa một số nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu, bao gồm Ấn Độ và Nam Phi, những người, theo Reuters, đang kêu gọi giải quyết bằng ngoại giao.
Tuy nhiên, Kiev đã khăng khăng đòi thiết lập lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức.
Những người ủng hộ châu Âu của Ukraine đã ủng hộ yêu cầu này. Nếu Điện Kremlin không đáp ứng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ phê duyệt một gói trừng phạt mới vào ngày 14/5, sẽ ảnh hưởng đến "hạm đội bóng tối" của Nga và mở rộng danh sách đen các cá nhân và pháp nhân.
Ông Peskov đáp lại lời đe dọa của EU bằng cách nhấn mạnh: “Ngôn ngữ của tối hậu thư là không thể chấp nhận được đối với Moscow. Các ông không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ như vậy được”.
Người phát ngôn Điện Kremlin đồng thời lưu ý rằng, các tối hậu thư tương tự đã từng được đưa ra tại Kiev bởi cái gọi là “liên minh những người tự nguyện”, bao gồm các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Ba Lan.