Mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành rất cấp bách
“Việc đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành rất cần thiết và cấp bách, đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác cuối năm 2025”, Bộ Giao thông vận tải nhận định.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời cử tri Đồng Nai về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành . Bộ này cho biết, tuyến cao tốc này hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016, với quy mô 4 làn xe (mỗi chiều xe chạy có 2 làn), do Tổng Công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và quản lý khai thác.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện sử dụng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tăng trung bình hơn 10% mỗi năm. Trong đó, đoạn TPHCM - Long Thành (dài khoảng 26km) lượng phương tiện đã vượt năng lực thiết kế.
“Việc đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành rất cần thiết và cấp bách, đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác cuối năm 2025”, Bộ GTVT nhận định.
Đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành được dự kiến mở rộng từ 4 lên 10 làn xe.
Trên cơ sở đề xuất của VEC, ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VEC), Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng giao bộ quyết định phương án nghiên cứu mở rộng dự án. Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các cấp có thẩm quyền theo quy định.
“Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong quá trình chuẩn bị đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, để sớm thực hiện mở rộng dự án”, Bộ GTVT khẳng định.
Theo đề xuất sơ bộ của VEC, để mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành cần nguồn vốn gần 14.800 tỷ đồng, do doanh nghiệp tự bố trí. Trong đó, chi xây dựng ước gần 10.800 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng; chi quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng; chi dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng.
VEC dự kiến đầu tư mở rộng đoạn cao tốc từ nút giao Vành đai 2 đến Vành đai 3 TPHCM từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao Vành đai 3 TPHCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng từ 4 lên 10 làn xe. Dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành.
Riêng đầu tư mở rộng nút giao An Phú (giao cao tốc với đường Mai Chí Thọ) và đoạn nối đến Vành đai 2 (dài 4km) do UBND TPHCM đầu tư, quản lý khai thác. Cuối tháng 12/2022, UBND TPHCM đã khởi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú, với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến có quy mô 10 làn xe.