Mải mê 'giải cứu' châu Âu, Mỹ có nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên
Phân tích từ Reuters cho thấy các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ đang phải vật lộn để vừa đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong nước, vừa phải xuất khẩu để hỗ trợ cho mùa đông tại châu Âu.
Dữ liệu mới nhất cho thấy việc khai thác lưu vực đá phiến khác tại Permi đóng góp khoảng 12% tổng sản lượng khí đốt của Mỹ và các giàn khoan ở đây, đã giảm năng suất khai thác trong hai tuần liên tiếp.
Phân tích của Reuters chỉ ra các giàn khoan giảm hoạt động đồng nghĩa với việc lượng khí đồng hành bổ sung vào tổng lượng khí đốt quốc gia ít hơn.
Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ đang xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu với tốc độ kỷ lục. Gần đây đã xuất hiện các yêu cầu giảm nguồn cung đó để đảm bảo đủ khí đốt cho thị trường Mỹ.
Ảnh minh họa.
“Nhu cầu sưởi ấm đang cận kề ở cả châu Âu và Mỹ. Nhiều người ở cả hai châu lục đều cần sử dụng khí đốt để sưởi ấm, do đó người tiêu dùng khó kỳ vọng giá khí đốt giảm", hãng tin Reuters cho hay.
Bài phân tích cũng lưu ý rằng mặc dù khó có khả năng giá khí đốt của Mỹ sẽ tăng bằng mức kỷ lục ở châu Âu, nhưng giá đã tăng vọt 300% so với vài năm trước khi khí đốt còn rẻ và dồi dào.
Khi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ cam kết với các nhà lãnh đạo trong khối về việc sẽ có đủ khí đốt cho mùa đông.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, Mỹ đã củng cố vị trí là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022. Ước tính, xuất khẩu LNG trung bình hàng ngày của Mỹ tăng 12% trong 6 tháng qua.
Mỹ hiện là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, tuy nhiên các giới hạn nhất định đang khiến nước này chưa thể trở thành vị cứu tinh toàn diện về vấn đề năng lượng. Tình trạng thiếu năng lực xuất khẩu tại Mỹ đang làm tắc nghẽn nguồn cung LNG sang châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Các nhà máy ở châu Âu bỏ sang Mỹ vì giá khí đốt tăng kỉ lục
Theo tờ Wall Street Journal, bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng vọt, nhiều công ty châu Âu sản xuất thép, phân bón và các sản phẩm đầu vào quan trọng khác đang dần dịch chuyển hoạt động sang thị trường Mỹ.
Khi giá năng lượng biến động mạnh và các vấn đề rắc rối liên tục trong chuỗi cung ứng đe doạ châu Âu, đặt khu vực này trước nguy cơ xảy ra điều mà một số chuyên gia kinh tế gọi là “kỷ nguyên phi công nghiệp hoá”, Washington đã công bố một loạt khuyến khích đối với ngành sản xuất và năng lượng xanh.
Giá khí đốt tăng cao khiến các nhà máy của châu Âu phải bỏ sang Mỹ. (Ảnh: WSJ)
Kết quả là một sân chơi ngày càng nghiêng về phía Mỹ, các nhà điều hành doanh nghiệp nhận định, đặc biệt là đối với những công ty đang đặt cược vào những dự án sản xuất hoá chất, pin và các sản phẩm có sử dụng nhiều năng lượng khác.
“Chẳng có lý do gì để không chuyển sản xuất tới Mỹ”, CEO Ahmed El-Hoshy của công ty hoá chất OCI NV có trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, phát biểu. Trong tháng 9 này, OCI tuyên bố mở rộng một nhà máy sản xuất amoniac ở Texas.
Trong khi Mỹ đang đương đầu với lạm phát kỷ lục, những nút thắt trong chuỗi cung ứng, và nguy cơ suy thoái, giới phân tích nói rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nổi lên sau đại dịch Covid-19 một cách tương đối mạnh mẽ.
Đầu tư mới của Mỹ vào cơ sở hạ tầng, ngành chip và các dự án năng lượng xanh đã làm gia tăng sức hút của Mỹ đối với các nhà sản xuất.
Các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích nói rằng châu Âu vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và sở hữu lực lượng lao động công nghiệp lành nghề.
Nhờ nhu cầu bị dồn nén từ trong đại dịch, các công ty chứng kiến giá năng lượng bùng nổ trong những tháng gần đây đã có thể đẩy phần chi phí tăng thêm này về phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tình trạng cao kỷ lục của giá khí đốt sẽ kéo dài trong bao lâu.