A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp tự ý san lấp, ngăn suối ở Hòa Bình

Người dân xóm Nhõi 3, xã Hợp Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình) phản ánh Công ty Cổ phần Quy Chân tự ý san lấp, xây đập chặn dòng suối tự nhiên để tích nước cho dự án. Dù đã nhiều lần kiến nghị, doanh nghiệp vẫn tiếp tục thi công thêm nhiều điểm mới.

Doanh nghiệp tự ý san lấp, ngăn suối ở Hòa Bình

Người dân xóm Nhõi 3, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình phản ánh Công ty Cổ phần Quy Chân đã tự ý san lấp, xây đập ngăn dòng suối tự nhiên để tích nước cho dự án. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Quy Chân đã có hoạt động mua gom đất rừng sản xuất của một số hộ dân tại xóm Nhõi 3. Khu đất này nằm gần tuyến suối tự nhiên chảy xuyên qua địa bàn - vốn là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu chính của người dân trong vùng.

Anh Bùi Duy Nhất (30 tuổi, người dân xóm Nhõi 3) cho biết: “Cách đây 2 năm, họ đã đắp một con đập lớn ngăn suối. Giờ thì đập đó đã tích đầy nước và hiện họ tiếp tục làm thêm 2 vị trí đập mới nữa ngay trên tuyến suối chính".

Điều khiến người dân bức xúc là việc thi công diễn ra vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, thời điểm ít người để ý.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, lập biên bản, gửi đơn. Nhưng công ty vẫn cho máy xúc vào làm, suối bị chặn hàng trăm mét, nước không chảy được xuống cánh đồng, ruộng đang khô héo cả rồi” - anh Nhất nói.

Ghi nhận tại hiện trường của phóng viên Báo Lao Động cho thấy, con suối nằm ngay khu vực đầu nguồn, địa hình dốc, nhiều bùn đất. Vị trí xây dựng đập chắn nước cách khu dân cư khoảng 500 mét. Hai máy xúc công suất lớn được huy động để múc đất, đắp bờ chắn ngang lòng suối. Một đoạn suối dài cả trăm mét đã bị lấp đầy, nước bị tích lại phía trên, dòng chảy phía dưới gần như bị cắt đứt hoàn toàn.

Nước suối tại khu vực bị chắn có dấu hiệu chuyển màu, lắng cặn, cỏ dại bắt đầu mọc lên hai bên bờ đất mới đắp. Theo người dân, nếu trời mưa lớn, nguy cơ vỡ đập, ngập úng khu vực hạ lưu là rất cao.

Ông Bùi Thanh Bình - Trưởng xóm Nhõi 3 - xác nhận: “Cả 3 vị trí đắp đập đều nằm trên tuyến suối tự nhiên, là nguồn nước tưới tiêu chính của hàng chục hộ dân. Doanh nghiệp không hề họp dân hay xin ý kiến cộng đồng trước khi làm. Hiện người dân đang rất bức xúc, nhiều hộ đã ký đơn kiến nghị”.

Ông Bình cho biết thêm, đập được đắp bằng đất đá, không có hệ thống tràn an toàn, rất nguy hiểm nếu mùa mưa lũ xảy ra.

Ông Bùi Quang Bệ - Chủ tịch UBND xã Hợp Phong - cho biết: “Ngay khi nhận phản ánh, từ người dân và ban xóm, UBND xã đã cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra thực địa, lập biên bản và báo cáo UBND huyện”.

Lãnh đạo UBND xã Hợp Phong khẳng định, phía Công ty Quy Chân tự ý san gạt khi chưa được cấp phép.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong - xác nhận: “Địa phương đã nắm được thông tin phản ánh, hiện UBND huyện đã giao cho các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát xử lý”.

Theo ông Tâm, quan điểm của huyện là nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật, không để tình trạng doanh nghiệp tự ý thay đổi hiện trạng tự nhiên, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Dự án do Công ty Cổ phần Quy Chân làm chủ đầu tư “Khu trải nghiệm văn hóa kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh”, có quy mô hơn 11ha, tổng vốn khoảng 90 tỉ đồng tại xã Hợp Phong.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật