Khí đốt Nga tiếp tục khoét sâu chia rẽ trong EU
EU siết khí đốt Nga nhưng nước thành viên là Hungary phản bác kịch liệt, tuyên bố đừng ép Hungary tự phá hoại kinh tế.
Hungary phản đối kế hoạch của EU cấm dầu và khí đốt Nga. Ảnh: Xinhua
Thủ tướng Hungary Viktor Orban một lần nữa thẳng thắn tuyên bố: Budapest phản đối kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm chấm dứt nhập khẩu dầu và khí đốt Nga, cho rằng đây là con đường dẫn tới “sự hủy hoại nền kinh tế Hungary”.
TASS đưa tin, phát biểu tại Hội nghị các Chủ tịch Nghị viện châu Âu diễn ra ở thủ đô Budapest, ông Orban cảnh báo: “Chỉ cần tưởng tượng giá năng lượng tăng gấp đôi - cả điện, dầu lẫn khí đốt - thì hộ gia đình và doanh nghiệp Hungary sẽ không thể nào trụ nổi. Điều đó sẽ đơn giản là phá hủy nền kinh tế của chúng tôi".
Ông Orban khẳng định rõ lập trường: Hungary muốn hòa bình, không muốn tiếp tục chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do Brussels dẫn dắt. “Người dân Hungary cần một nền kinh tế ổn định, không phải là nạn nhân của những quyết sách được hoạch định ở đâu đó ngoài biên giới quốc gia” - ông nói.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Hungary được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu vừa công bố kế hoạch chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Theo lộ trình EC công bố đầu tháng 5, các hợp đồng mới mua khí đốt của Nga - cả trên thị trường giao ngay và dài hạn - sẽ bị cấm trước cuối năm 2025. Các hợp đồng hiện tại, bao gồm cả khí đốt đường ống và LNG, sẽ phải kết thúc vào cuối năm 2027.
Dù là thành viên EU, Hungary lâu nay vẫn giữ thái độ dè dặt với các lệnh trừng phạt Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Budapest đã thành công đàm phán để được miễn trừ khỏi một số biện pháp hạn chế, trong đó có các gói trừng phạt liên quan đến dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, ông Orban cũng khôn khéo cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự đoàn kết nội khối: Hungary vẫn thường xuyên bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt, dù đi kèm điều kiện bảo vệ lợi ích của mình.
Hungary phụ thuộc lớn vào năng lượng từ Nga. Gần 85% khí đốt và hơn 60% dầu mỏ của nước này đến từ Nga. Theo các nhà phân tích năng lượng, việc cắt đứt nguồn cung này sẽ không chỉ gây sốc cho thị trường trong nước mà còn làm đứt gãy hệ thống sưởi ấm, giao thông và sản xuất công nghiệp vốn đã chịu nhiều sức ép lạm phát.
“Nếu không có nguồn thay thế đáng tin cậy và giá cả hợp lý, thì điều Brussels đang yêu cầu thực chất là bảo Hungary... tự bắn vào chân mình” - một chuyên gia năng lượng tại Budapest nhận định.
Kể từ khi xung đột Ukraina nổ ra, Hungary đã nhiều lần bị chỉ trích vì quan điểm "thân Nga" và "khác biệt trong lòng EU". Tuy nhiên, theo giới quan sát, Budapest đang tận dụng khéo léo vị thế của mình để bảo vệ quyền tự quyết kinh tế - điều mà nhiều nước nhỏ khác trong EU cũng âm thầm mong muốn nhưng chưa thể nói thành lời.