Huyện Phú Xuyên: Gìn giữ và phát triển vùng đất trăm nghề
Là huyện ngoại thành phía Nam thành phố Hà Nội, Phú Xuyên được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống độc đáo nổi tiếng, trong đó có làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, làng nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, làng nghề may Vân Từ…
Tập trung hỗ trợ làng nghề phát triển
Nằm ở phía Nam Thủ đô Hà Nội, Phú Xuyên được mệnh danh là “đất trăm nghề”, trong đó có 43 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề những năm qua, đã mang lại lợi ích kinh tế, đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân địa phương; Đồng thời, cũng từ đây những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống cũng được gìn giữ và bảo tồn.
Thống kê của huyện Phú Xuyên cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 154 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển cho đến nay; Trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Toàn huyện có 22.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 39%, số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 41.000 người, chiếm 40%. Thu nhập từ làng nghề đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm...
Điểm đến du lịch tại thôn Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) |
Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Một số sản phẩm mây giang đan còn được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Huyện cũng phát huy thế mạnh các làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững cho địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, phát triển làng nghề, du lịch làng nghề của huyện luôn được thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; Giày da Phú Yên; Đồ gỗ ở các xã Tân Dân, Văn Nhân; Khảm trai Chuyên Mỹ; Mây giang đan, cỏ tế Phú Túc… Các làng nghề phát triển mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong và ngoài địa phương với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Hiện các làng nghề của huyện Phú Xuyên hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ với 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những “phố nghề” sầm uất như: Túi xách xã Sơn Hà, giày da xã Phú Yên, nghề may xã Vân Từ…
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Nhằm thúc đẩy kinh tế làng nghề, những năm qua, UBND huyện Phú Xuyên và các xã đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề, nâng cấp hệ thống lưới điện, đường giao thông… Bên cạnh đó, huyện cũng quy hoạch và từng bước xây dựng hàng loạt cụm công nghiệp. Tính từ năm 2018 - 2020, đã có 4 cụm công nghiệp làng nghề được thành lập, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 4 cụm công nghiệp làng nghề...
Cùng với việc quan tâm, khuyến khích các làng nghề tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, huyện Phú Xuyên coi trọng đào tạo, công nhận, tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao.
Sản phẩm làng nghề của huyện Phú Xuyên |
Bên cạnh đó, huyện cũng đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề; Nâng cao thương hiệu làng nghề, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề. Song song với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành nghề, từ năm 2011 đến nay, huyện lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Nhờ có sự quan tâm, coi trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch, coi đây là tiềm năng thế mạnh nên đã thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề. Qua đó, huyện được thành phố công nhận 2 điểm đến du lịch tại thôn Cựu, xã Vân Từ và thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ.