A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hungary tiếp tục 'ngược dòng' trong vấn đề trừng phạt Nga

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo của Ba Lan và Cộng hòa Czech đã công khai chỉ trích Thủ tướng Hungary Viktor Orban vì thái độ của ông đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Những lời chỉ trích hôm 24/11 chỉ ra những căng thẳng rõ ràng trong Nhóm Visegrad ở Trung Âu, một liên minh thành lập từ năm 1991. Nguyên nhân của sự căng thẳng này là việc Thủ tướng Orban phản đối các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn của châu Âu đối với Nga, bao gồm vấn đề năng lượng.

Ba Lan, Czech và cả Slovakia, nước láng giềng còn lại của Hungary trong Nhóm Visegrad, đều chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Thủ tướng Hungary bị chỉ trích vì thái độ đối với Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bị các nhà lãnh đạo láng giềng chỉ trích - Ảnh: REUTERS

"Đây không phải là thời điểm tốt nhất cho Visegrad. Thái độ khác biệt của Hungary đang ảnh hưởng và làm phức tạp thêm tình hình" - Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết trước thềm một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Visegrad ở Slovakia.

Tuần này, Thủ tướng Orban tiếp tục khiến những láng giềng của mình khó chịu và chỉ trích gay gắt hơn khi đeo chiếc khăn quàng "Greater Hungary" khi đi xem bóng đá. Chiếc khăn này là một biểu tượng cho rằng nhiều phần lãnh thổ thuộc Áo, Slovakia, Romania, Croatia và Serbia ngày nay từng là một phần của Vương quốc Hungary trước đây.

Cũng hôm 24/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã yêu cầu Thủ tướng Orban gấp rút phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Ông Orban nói rằng Hungary sẽ làm điều này vào đầu năm tới.

Thủ tướng Morawiecki cho biết bất chấp những căng thẳng nói trên, Nhóm Visegrad vẫn là một diễn đàn quan trọng trong Liên minh châu Âu (EU). Đồng quan điểm, Thủ tướng Fiala nói: "Chúng tôi có ý kiến khác nhau về một số vấn đề nhưng có nhiều vấn đề khác mà lập trường của chúng tôi giống nhau và có thể hợp tác".

Tổng thống Putin: "Hậu quả nghiêm trọng" nếu áp trần giá dầu

Theo Reuters, Điện Kremlin cho biết rằng hôm 24/11 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế giá dầu Nga trong cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani.

untitled

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS

"Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng những hành động như vậy trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu" - bản tuyên bố của Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga nói với Thủ tướng Iraq.

EU và Mỹ đã tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận về mức giá trần đối với việc nhập khẩu dầu Nga trong những ngày gần đây.

Nga và Iraq đều là những nhà sản xuất dầu lớn và là thành viên của OPEC+, một liên minh đặt ra mức sản lượng dầu nhằm kiểm soát giá dầu thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật