A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào tháng 10 là bất khả thi

Hà Nội - Việc hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào tháng 10 là không thể, bởi tiến độ bàn giao mặt bằng của các địa phương đang quá chậm.

Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào tháng 10 là bất khả thi

Đường song hành Vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức và Đan Phương (Hà Nội). Ảnh: Hữu Chánh

Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô khởi công từ tháng 6.2023 với tổng chiều dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng.

Riêng tại Hà Nội, tuyến đường dài hơn 57km, đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín.

a

Một khu dân cư thôn Tân Châu (xã Chu Phan, Mê Linh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án Vành đai 4. Ảnh: Hữu Chánh

Ghi nhận của Lao Động tại gói thầu số 8 - xây dựng đường song hành Vành đai 4 qua huyện Sóc Sơn và Mê Linh cho thấy, các công trình hạ tầng ngầm, nổi cơ bản đã được di dời.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn hai khu dân cư tại xã Đại Thịnh và Chu Phan (huyện Mê Linh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Tại gói thầu số 9 - xây dựng đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Đan Phượng và Hoài Đức, đến nay còn vướng mặt bằng tại ba khu dân cư ở xã Đức Thượng, Đông La (Hoài Đức) và xã Hạ Mỗ (Đan Phượng).

Tại khu vực xây dựng cầu Hồng Hà, thuộc địa phận xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) và xã Văn Khê (huyện Mê Linh), nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

a

Nhà xưởng và khu dân cư ở xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) chưa được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh

Tương tự, một số đoạn mặt bằng tại gói thầu số 10 - xây dựng đường song hành qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai cũng còn nhiều điểm chưa được bàn giao. Các công trình cản trở chủ yếu là khu dân cư, nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi.

Ở gói thầu số 11, đoạn qua huyện Thường Tín, các khu dân cư trong phạm vi dự án đã được giải phóng mặt bằng. Hiện còn hơn 10 điểm chưa bàn giao, chủ yếu là các công trình hạ tầng ngầm, nổi.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các quận, huyện phải hoàn tất thu hồi đất trước ngày 15.4. Ông Thanh nhấn mạnh, đây là thời hạn cuối cùng, không được phép chậm trễ.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Viết Sơn - Chỉ huy trưởng gói thầu số 11 (nhà thầu Cienco 4) - cho rằng, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15.4 là rất khó.

"Trước đây, thành phố yêu cầu các địa phương giao đủ mặt bằng cho nhà thầu trong quý I, sau đó lùi đến trước ngày 15.4. Nhưng đến nay, nhiều đoạn vẫn ngổn ngang. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ nhanh, sớm nhất cũng phải đến hết tháng 4, công tác giải phóng mặt bằng mới có thể hoàn tất" - ông Sơn nói.

q

Cầu Tô Lịch (gói thầu số 11) chưa thể thi công đồng bộ do đường điện chưa được di dời. Ảnh: Hữu Chánh

Tại gói thầu số 9, Chỉ huy trưởng Nguyễn Hoàng Hải cho hay, nhà thầu thường xuyên liên hệ với huyện Hoài Đức và Đan Phượng để cập nhật tiến độ giải phóng mặt bằng. Các địa phương đều cam kết sẽ sớm bàn giao.

"Các đơn vị liên quan đang tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi. Tuy nhiên, ba khu dân cư vẫn chưa rõ thời điểm bàn giao để thi công" - ông Hải nói.

Việc các địa phương chậm giao mặt bằng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án đường song hành Vành đai 4, trong khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu hoàn thành dự án vào tháng 10.2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố.

"Hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào tháng 10 là không khả thi, bởi tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương quá chậm. Chưa kể, mùa mưa đang đến gần và sẽ kéo dài nhiều tháng, gây ảnh hưởng lớn đến thi công" - Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật