Gợi mở những giải pháp nâng cao nhận thức của người dân về công tác Thừa phát lại
Sau thời gian triển khai, đến nay, công tác Thừa phát lại đã góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Đó là nhận định chung của các diễn giả tại toạ đàm “Thực hiện chế định Thừa phát lại - hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức sáng 20/7.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 5 văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP là các văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Đến nay, số lượng văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội lên đến 38 cơ sở.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm |
Các văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội đã khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan Tư pháp thực hiện một số công việc như tống đạt các văn bản tài liệu tố tụng; Hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; Trực tiếp tổ chức thi hành án, thu nhiều chục tỷ đồng cho người được thi hành án... Tuy nhiên, thực tế công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội Nguyễn Phương Nam thông tin, qua thống kê của phòng Bổ trợ tư pháp, số lượng lập vi bằng nhiều đã đóng góp một số ngân sách không nhỏ vào ngân sách của thành phố, giảm thiểu công việc của các cơ quan chức năng. Trong 6 tháng đầu năm, 38 văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Thừa phát lại ở Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, một số quy định về nghị định chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Qua công tác kiểm tra, công văn hướng dẫn về Thừa phát lại ít, chủ yếu là Thông tư 05 và Nghị định.
Có một số bất cập ở Thông tư 05/TT-BTP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8/1/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại) là đăng ký Vi bằng, bởi chưa được quy định cụ thể như thế nào. Vì vậy, mỗi Sở Tư pháp tỉnh, thành lại quy định đăng ký Vi bằng khác nhau.
Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm |
Theo quy định, trong 3 ngày, Vi bằng phải đăng ký tại Sở Tư pháp. Số lượng vi bằng năm 2021 có khoảng 18.000 Vi bằng, năm 2022 là 24.500 Vi bằng. Số lượng Vi bằng nhiều, kho chật, công chức giải quyết việc khiêm tốn, lại vừa cập nhật, kiểm tra, vào sổ nên đây cũng là khó khăn, vướng mắc, bất cập lớn.
Ngoài ra, quy định, các Sở Tư pháp chủ động báo cáo tỉnh/thành phố về việc xây dựng dữ liệu phần mềm cập nhật vi bằng. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu như thế nào thì không nêu rõ trong Nghị định, chưa nêu quy chuẩn, tiêu chuẩn,…
“Sở Tư pháp TP Hà Nội đang tham mưu lãnh đạo thành phố kế hoạch kiểm tra văn phòng Thừa phát lại và sẽ kiểm tra 5 Văn phòng Thừa phát lại để tìm hiểu khó khăn và kịp thời báo cáo Sở Tư pháp, UBND thành phố Hà Nội”, bà Nam cho biết.
Quang cảnh tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Thăng Long - Hà Nội chia sẻ, hiện nay hoạt động thừa phát lại gặp nhiều khó khăn, Văn phòng chưa ký được hợp đồng nào bên Tòa, chi phí tống đạt, thu chi thanh toán chậm khả năng không làm được, thi hành án bị bó quyền nên không làm được.
Hiện nay, Văn phòng chú trọng mảng lập Vi bằng, đến thời điểm này lập được hơn 500 Vi bằng từ khi có giấy phép hoạt động. Do đó, Văn phòng hoạt động chủ yếu từ doanh thu Vi bằng.
Khó khăn nữa là ký tên trong hợp đồng giao dịch là của công chứng - chứng thực mà Vi bằng không liên quan, bắt buộc phải công chứng - chứng thực thì chúng tôi lập Vi bằng nhưng như thế là vi phạm điều 37 Nghị định 08. Ông Quách Sỹ Hiển kiến nghị cần sửa đổi Nghị định, để Thừa phát lại có thẩm quyền rộng hơn.
Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức |
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thừa phát lại Hà Nội, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình cho biết, với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện cơ chế kinh tế thị trường sâu rộng, các văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội nói riêng, toàn quốc nói chung sẽ phát triển và hình thành một hệ thống các văn phòng chuyên nghiệp có quy mô lớn. Cùng với sự phát triển của chế định Thừa phát lại, việc xây dựng một môi trường hoạt động chuyên nghiệp cho những người làm nghề Thừa phát lại là tất yếu.
Thời gian tới, Hội Thừa phát lại TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động như: Tuyên truyền mục đích của Hội; Đại diện cho hội viên trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo quy định của pháp luật; Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện các nội dung liên quan đến các chủ trương chính sách về Thừa phát lại theo đề nghị của cơ quan Nhà nước…