DỰ ÁN ÐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 TP HCM: Bình Dương đã có đường băng
Các địa phương của tỉnh Bình Dương có dự án đường Vành đai 3 TP HCM đi qua đã hoàn tất chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đợt 1, tạo đường băng thực hiện dự án
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, dự kiến tỉnh này sẽ khởi công nút giao Bình Chuẩn (TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một) và cầu Bình Gởi trên đường Vành đai 3 TP HCM (vượt sông Sài Gòn, nối TP Thuận An và huyện Củ Chi, TP HCM), với tổng kinh phí khoảng 1.236 tỉ đồng.
Ðồng thuận cao
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM (gọi tắt là Vành đai 3) đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài toàn tuyến khoảng 26,06 km. Trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km đã được xây dựng với quy mô 6 làn ôtô. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 19.280 tỉ đồng, thu hồi 85,6 ha đất đi qua 3 địa phương (TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và TP Thuận An), tổng kinh phí bồi thường trên 13.063 tỉ đồng. "Nhờ sự đồng thuận cao của người dân nên việc chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đợt 1 đã hoàn tất, tạo thuận lợi cho thi công dự án" - ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết.
Là một trong những hộ đầu tiên đồng ý cho nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Vành đai 3, ông Nguyễn Văn Hữu (khu phố 9, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) nói gia đình ông khá hài lòng với bảng giá bồi thường do UBND tỉnh Bình Dương thông qua. "Bây giờ, gia đình tôi chỉ mong nhà nước triển khai dự án đúng tiến độ để công trình sớm góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung" - ông Hữu nói. Theo ông Hữu, với số tiền bồi thường gia đình ông sẽ xây lại nhà mới vì với nhà hiện tại của ông quá sát với đường Vành đai 3, hơn nữa ngôi nhà này gia đình ông đã sống mấy chục năm nay cũng đã xuống cấp. "Khu vực nơi chúng tôi ở vốn ít người qua lại. Hy vọng khi có đường lớn đi qua sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân nơi đây" - ông Hữu kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn (70 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) là một trong những hộ gia đình đầu tiên tại TP Thuận An được nhận tiền bồi thường. Theo ông Mẫn, để làm dự án Vành đai 3, nhà nước đã thu hồi 2.000 m2 trong tổng số hơn 4.000 m2 đất của gia đình ông, vị trí được đền bù cao nhất hơn 14 triệu đồng/m2. Theo đánh giá của ông Mẫn, mức giá này là phù hợp, nhất là trong thời điểm thị trường bất động sản đang đóng băng, thì giá đền bù này là rất tốt. Sau khi nhận tiền bồi thường, ông Mẫn đã gửi hết vào ngân hàng. "Vợ chồng tôi đã vất vả nhiều rồi, số tiền lãi hằng tháng sẽ giúp chúng tôi an nhàn, tận hưởng tuổi già, vợ tôi cũng không phải bươn chải buôn bán ngoài đường nữa" - ông Mẫn cho hay.
Ông Mẫn chia sẻ đây là đất được ông bà để lại cho 6 anh chị em ông. Khi được nhà nước vận động thu hồi, cả 6 hộ trong gia đình đều đồng thuận và thấy vui vì đóng góp vào việc giúp nhà nước làm đường. Cũng như ông Hữu, cả gia đình 6 hộ của ông Mẫn đều tin khi tuyến đường hoàn thành, ngoài việc phục vụ đi lại, còn mở ra hướng làm ăn mới cho người dân trong khu vực.
Nút giao Bình Chuẩn khi hoàn thành sẽ kết nối vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn giúp lưu thông hàng hóa nhanh hơn
Ðặt quyền lợi người dân trên hết
Nói về sự đồng thuận cao của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, cho biết thực hiện dự án Vành đai 3, TP Thuận An thu hồi 51 ha, tổng kinh phí bồi thường 4.992 tỉ đồng. Trước khi thực hiện chi trả bồi thường, địa phương đã tuyên truyền, vận động, kể cả tổ chức đối thoại để người dân hiểu nên được sự ủng hộ rất cao. Ðến hôm nay, TP Thuận An đã chi trả tiền bồi thường đợt 1, với khoảng 267 tỉ đồng cho 38 hộ dân.
"Ðây là những hộ dân có đất thuộc khu vực gần nút giao Bình Chuẩn giao với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, vị trí được chọn khởi công vào ngày 29-6 tới. Do đó, được địa phương tiến hành chi trả tiền bồi thường sớm nhất để các đơn vị khẩn trương các bước cho ngày khởi công" - ông Tâm nói. Ðối với các vị trí còn lại, theo ông Tâm, TP Thuận An đang gấp rút thực hiện công tác áp giá đất để chi trả tiền đền bù sớm nhất cho bà con. "Vì vậy, mong người dân cứ yên tâm và phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị để công việc được trôi chảy, với mục tiêu chung là bảo đảm dự án thực hiện đúng tiến độ" - ông Tâm bày tỏ.
TP Dĩ An đã trao tiền đền bù cho 43 hộ có đất thuộc diện thu hồi với tổng số tiền trên 688 tỉ đồng… Tương tự, TP Thủ Dầu Một thu hồi khoảng 12,6 ha, tổng kinh phí bồi thường 1.659 tỉ đồng, trong đợt đầu đã chi cho hơn 50 hộ dân với số tiền gần 300 tỉ đồng. Ở các địa phương này, ngay sau khi thu hồi đất, lãnh đạo đều cam kết hỗ trợ người dân các thủ tục pháp lý như thủ tục cấp phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc bổ sung giấy phép sửa chữa… để người dân sớm ổn định nơi ở, thuận lợi trong sinh kế.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định nếu không có sự đồng thuận của người dân, tổ chức có đất bị thu hồi thì tiến độ hàng trăm dự án chắc chắn sẽ bị đình trệ. Ðể có được sự đồng thuận trên, quan điểm của tỉnh là luôn hài hòa lợi ích, lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện và đồng hành tối đa với người dân. "Chúng tôi luôn nhấn mạnh và thực hiện đúng phương châm đặt lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất lên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước khi đền bù, giải phóng mặt bằng. Và điều này đã được chứng minh qua từng dự án chứ không chỉ riêng ở dự án Vành đai 3" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Bố trí tái định cư cho 518 trường hợp
TP Thủ Dầu Một có 235 trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến bố trí 8 trường hợp tại khu tái định cư (TÐC) Phú Hòa và Phú Mỹ. TP Dĩ An có 504 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 305 trường hợp TÐC, dự kiến bố trí ở 6 khu TÐC trên địa bàn.
Tại TP Thuận An có 764 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 205 trường hợp TÐC, dự kiến bố trí tại khu TÐC Lái Thiêu, An Thạnh; với khoảng 30 nền còn thiếu, UBND TP Thuận An đã thống nhất với UBND TP Thủ Dầu Một bố trí tại khu TÐC Phú Hòa và Phú Mỹ.