A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cử tri Ninh Thuận quan tâm với quy định dự thảo Luật Việc làm

Với 12 lượt ý kiến, góp ý của đoàn viên, công nhân, cán bộ công đoàn trực tiếp gửi đến các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tại hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn các cấp, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) vừa diễn ra.

Cử tri Ninh Thuận quan tâm với quy định dự thảo Luật Việc làm

Cử tri CNLĐ, cán bộ công đoàn tại tỉnh Ninh Thuận kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề. Ảnh: Phương Linh

Đồng thuận với Luật Công đoàn sửa đổi

Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua 12 lượt ý kiến, góp ý, buổi tiếp xúc cử tri, CNVCLĐ và các cấp công đoàn đã tin tưởng, gửi gắm trọn vẹn niềm tin, mong muốn của mình đến các đại biểu Quốc hội tỉnh. Hy vọng các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của tổ chức Công đoàn, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Ninh Thuận hiện có 40.198 CNVCLĐ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn.

Theo ông Đông, qua nắm bắt tâm tư NLĐ, một bộ phận đoàn viên băn khoăn, lo lắng trước tình trạng doanh nghiệp còn gặp khó khăn, giá cả một số mặt hàng đang tăng cao, tình trạng chậm đóng các loại bảo hiểm tại một số doanh nghiệp… sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.

Qua nhiều lần lấy ý kiến dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), cử tri rất phấn khởi khi các nội dung quy định về biên chế, tuyển dụng, đại diện bảo vệ quyền lợi, thời gian thực hiện nhiệm vụ công đoàn, kinh phí công đoàn… đã được Trung ương, Bộ, ngành tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện và chuẩn bị trình ra kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội XV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri có ý kiến đề xuất trao quyền tự chủ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức trên cơ sở vận dụng các quy định do Nhà nước ban hành. Cử tri thống nhất cao và mong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận xem xét, ủng hộ để Luật Công đoàn (sửa đổi) sớm được thông qua.

Nhiều góp ý với dự thảo Luật Việc làm sửa đổi

Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 8.10, có 6/12 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Việc làm sửa đổi còn bất cập.

Chị Đặng Thị Thúy Vân (Công ty TNHH May Thái An) nêu, Luật Việc làm trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận NLĐ không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Vì thế các quy định mới cần có chế tài xử lý mạnh hơn.

Cũng liên quan đến Luật Việc làm sửa đổi, anh Nguyễn Văn Quyến - đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Ninh Chữ cho rằng, quy định của Luật Việc làm là NLĐ tham gia BHTN chỉ được hưởng trợ cấp khi họ thất nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, nhiều NLĐ có việc làm ổn định và có đóng bảo BHTN trong thời gian dài nhưng không được hưởng quyền lợi về BHTN lần nào do không bị thất nghiệp. NLĐ cảm thấy bị thiệt thòi khi có đóng nhưng không được hưởng. Vì thế anh Quyến đề nghị Quốc hội nghiên cứu, có quy định hỗ trợ đối với đối tượng này khi về hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Một số cử tri là cán bộ công đoàn cũng nêu lên thực tế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN của NLĐ vẫn còn khá nhiều. Điều này gây trở ngại trong việc thanh toán chế độ BHTN cho NLĐ bị thất nghiệp và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ, vì thế sửa đổi Luật Việc làm lần này cần xây dựng quy định có tính chất “đặc thù” để chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ có tham gia BHTN hàng tháng nhưng bị doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHTN...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật