A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ

Luật Thủ đô năm 2024 đã thông qua một số cơ chế đặc thù, tạo sự đột phá cho lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của Hà Nội có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo

Hà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học công nghệ (KHCN), trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước, trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc.

TP cũng là đầu mối giao lưu về hợp tác KHCN với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các quốc gia, cơ sở nghiên cứu trên thế giới.

Xác định những thế mạnh đó, những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.

Một trong những định hướng lớn được Hà Nội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025 của TP cũng xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh”. Điều đó cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước.

Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ
Định hướng thời gian tới của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tiếp tục tạo ra những bước đột phá, chia sẻ kết nối phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ biến đổi, trí tuệ nhân tạo

Trên thực tế, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước bảo đảm cơ bản các nhiệm vụ KHCN được thực hiện theo phương thức tuyển chọn. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, về số lượng doanh nghiệp KHCN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp (chiếm 21% cả nước). Ngoài ra, TP có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn TP có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực.

Lợi thế đã có, tuy nhiên, cũng như các tỉnh, TP khác, Hà Nội cũng đối mặt với những khó khăn trong quá trình phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo như thiếu cơ chế đặc thù, đột phá cho phát triển KHCN.

Động lực, điểm tựa để doanh nghiệp, nhà khoa học dấn thân

Tại Điều 36 Luật thủ đô cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ thúc đẩy từ mức sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm KHCN.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

Luật quy định, UBND TP xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm trình HĐND TP phê duyệt, trong đó xác định rõ hình thức tổ chức hoạt động của Quỹ; thời gian hoạt động của Quỹ; mức hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách TP; phương thức đầu tư, đối tượng hợp tác, nhận vốn đầu tư; cơ chế đánh giá, kiểm soát rủi ro, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, vận hành Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP.

Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ
Quang cảnh hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”

HĐND TP phê duyệt đề án, quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện. UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Khẳng định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là điểm sáng trong Luật Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho biết, việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát là một chính sách vô cùng quan trọng.

Bởi, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm theo rủi ro, trong nghiên cứu khoa học, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức, nhà khoa học chưa thực sự có động lực dấn thân vào thử nghiệm nghiên cứu sản phẩm, giải pháp mới. Vô hình chung, sự an toàn đã triệt tiêu tính sáng tạo trong xã hội.

Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thu hút nhân tài, trong đó xác định xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.

“Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài.

Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát huy tốt các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới”, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nói.

“Nếu xã hội không cho thử nghiệm thì không thể nào có cái mới, đột phá được. Vì thế, nếu chấp nhận có sáng tạo, có đổi mới, phải chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học mới mạnh dạn vào cuộc”, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.

Trong bối cảnh như vậy, Luật Thủ đô đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong nghiên cứu khoa học, cho phép thử nghiệm có giám sát của cơ quan Nhà nước.

“Luật đã tạo động lực, điểm tựa cho nhà khoa học, để nhà khoa học dấn thân nghiên cứu, kích thích sự sáng tạo. Đây sẽ là bước tiến mới cho Thủ đô có điều kiện phát triển đột phá, tăng trưởng”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Một chính sách khác thúc đẩy KHCN tại Luật Thủ đô là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về KHCN, hoạt động trên địa bàn TP sẽ được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Giám đốc điều hành, thành viên sáng lập 1Office Lê Việt Thắng (đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại), khi Hà Nội tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, sẽ mang lại thế mạnh trong việc cạnh tranh, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài; phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá và ưu đãi nêu trên, nhiều ý kiến đánh giá Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp TP tạo ra được cơ chế đặc thù, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời góp phần tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật