Kỷ luật, kỷ cương tạo nên chất lượng giáo dục Thủ đô toàn diện
Ngành Giáo dục Thủ đô xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Các nhiệm vụ này nhằm tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…
Tạo chuyển mạnh mẽ trong tác phong, văn hóa ứng xử
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, Trưởng đoàn giám sát của HĐND TP, đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, thời gian qua, Sở đã ban hành nhiều văn bản về thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm tra công tác cải cách hành chính, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và thi đua khen thưởng; tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiểm tra công vụ, công tác tổ chức cán bộ nhằm triển khai thực hiện, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu tại kết luận buổi giám sát |
Thực hiện kỷ cương hành chính, trách nhiệm công vụ, Sở đã quán triệt, đôn đốc đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đúng quy trình, quy chế làm việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện tốt quy tắc, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, 100% công chức không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, thực hiện đeo thẻ trong giờ làm việc.
Sở đã trình Chủ tịch UBND TP ban hành 2 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính được thay thế, bị bãi bỏ trong lĩnh vực GD&ĐT. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên tinh thần, thái độ trách nhiệm, nhiệt tình, thân thiện, mang lại sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức.
Hiện nay, Sở đã hoàn tất việc cập nhật danh mục thủ tục hành chính cả 3 cấp trên Cổng thông tin điện tử của Sở và Cổng dịch vụ công TP. Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, thống kê, xây dựng danh mục quy trình giải quyết công việc nội bộ, quy trình liên thông với các sở, ngành. Căn cứ kết quả rà soát, thống kê, Sở đã xác định danh mục 37 quy trình giải quyết công việc nội bộ; 7 quy trình liên thông giải quyết công việc ngoài thủ tục hành chính.
Đi đầu trong thực hiện chính quyền điện tử
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà đánh giá cao Sở GD&ĐT tổ chức triển khai nghiêm túc, đầy đủ các văn bản của Trung ương, TP trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội tại Lễ khai mạc Ngày hội công nghệ thông tin và STEM ngành GD&ĐT TP Hà Nội năm 2024 |
Sở đã chủ động rà soát, xây dựng quy trình nội bộ, phân công trách nhiệm, xác định rõ thẩm quyền, ủy quyền cụ thể từ lãnh đạo, người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn. Đặc biệt, Sở đã tham mưu UBND TP xây dựng các nghị quyết, thẩm định nghị quyết lĩnh vực GD&ĐT để HĐND TP xem xét, ban hành, được cử tri đánh giá cao, đi vào đời sống; tham mưu UBND TP ủy quyền 17 thủ tục hành chính, để giảm tải với cấp TP; đi đầu trong thực hiện chính quyền điện tử...
Trưởng Đoàn giám sát đề nghị trong thời gian tới, Sở GD&ĐT rà soát tổng thể chỉ tiêu do bộ, TP giao, để gắn với lộ trình thực hiện; tiếp tục rà soát sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, Sở tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát quy trình nội bộ, phát hiện sai sót để điều chỉnh. Bên cạnh biểu dương những cá nhân làm tốt, Sở cũng cần có biện pháp xử lý với cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc, tránh việc nể nang.
Triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT Thủ đô; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh; chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT… |