Chính quyền Biden cân nhắc lại về quan hệ với Saudi Arabia
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẵn sàng xem xét các biện pháp cứng rắn đối với Saudi Arabia sau khi nước này quyết định cắt giảm sản lượng dầu vào tuần trước.
Ông Joe Biden cụng tay với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khi cả hai gặp nhau lần đầu tiên ở Jeddah vào ngày 15/7, trong chuyến công du của tổng thống Mỹ đến Trung Đông. Ảnh: AP.
"Tổng thống tin rằng chúng ta nên xem xét lại mối quan hệ song phương với Saudi Arabia và xem xét liệu mối quan hệ đó có phải là điều cần thiết và có phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta hay không", John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết, Guardian đưa tin ngày 11/10.
Ông nói thêm rằng việc đánh giá lại quan hệ với Saudi Arabia "dựa trên quyết định gần đây của OPEC và lãnh đạo Saudi Arabia".
Ông Kirby cũng cho biết Tổng thống Biden có thể sẽ nói chuyện với các đảng viên Dân chủ cấp cao trong quốc hội, những người đã kêu gọi Mỹ cắt giảm hợp tác với Riyadh.
Động thái cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia - mà Mỹ cho rằng đó là hành động đứng về phía Nga trong cuộc xung đột ở châu Âu - diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng. Các chiến dịch liên quan tới cuộc bầu cử được cho là có thể xoay quanh giá nhiên liệu trong nước.
Các nhà quan sát cho rằng động thái này báo hiệu rằng Tổng thống Biden sẵn sàng từ bỏ đáng kể những nỗ lực gần đây của ông trong việc tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời đặt ra nghi ngờ về tương lai của mối quan hệ an ninh Mỹ - Saudi Arabia.
Phản ứng dữ dội của Quốc hội Mỹ đối với Saudi Arabia đã gia tăng mạnh mẽ trong tuần này sau khi Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, kêu gọi đóng băng việc mua bán vũ khí và hợp tác an ninh với vương quốc này.
"Tôi sẽ không bật đèn xanh cho bất kỳ sự hợp tác nào với Riyadh cho đến khi vương quốc này đánh giá lại quan điểm của mình về xung đột ở Ukraine", ông nói.
Reuters ngày 5/10 đưa tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gồm 13 quốc gia, do Saudi Arabia dẫn đầu, và 10 đồng minh đã đồng ý giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, làm dấy lên lo ngại rằng giá dầu có thể tăng cao.
Saudi Arabia cho biết ưu tiên của OPEC+ là "duy trì thị trường dầu bền vững", nhưng động thái này đã vấp phải sự chỉ trích nhanh chóng từ Washington, nhận định điều này sẽ gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu.
Nhà Trắng coi quyết định của OPEC+ là động thái chính trị, và xúc phạm đối với ông Biden, Guardian đưa tin.
"Rõ ràng là OPEC+ đứng về phía Nga trong tuyên bố ngày hôm nay (5/10)", người phát ngôn Nhà Trắng Jean-Pierre cho biết.
Tuyên bố từ Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese cho biết tổng thống "thất vọng vì quyết định thiển cận, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực" từ chiến sự Ukraine.