Du học sinh cùng nhau giữ gìn truyền thống Tết Việt
Trong những ngày Tết Nguyên đán, do dịch bệnh phức tạp, nhiều du học sinh không thể trở về quê đoàn tụ cùng gia đình. Nỗi nhớ nhà lại trào dâng trong lòng các bạn trẻ khi năm mới phải đón Tết ở nơi ‘đất khách quê người’. Người trẻ đã làm gì để với đi nỗi nhớ quê nhà trong những ngày Tết đến, xuân về?
Tết là dịp để gia đình quây quần, sum họp, nhưng năm nay, việc di chuyển giữa các nước gặp nhiều khó khăn, nhiều du học sinh Việt Nam đã không thể trở về quê nhà đón Tết.
Nhớ quê nhà, nhớ bánh chưng xanh…
“Nhớ nhà” có lẽ là nỗi niềm chung của các du học sinh xa nhà vào mỗi dịp Tết. Hà Uyên (du học sinh Việt Nam tại Đài Loan) chia sẻ: “Năm nay, không thể về nhà ăn Tết, mình cảm thấy hụt hẫng và buồn vì nhớ gia đình, nhớ cảm giác quây quần bên gia đình. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày mình đều gọi về nhà xem cả nhà đã chuẩn bị, mua sắm những gì, sáng mùng 1, ngày mùng 2 mình gọi điện nói chuyện cùng gia đình để cảm nhận được sự thân thuộc dù đang ở xa nhà.
Ở nước ngoài, mình thực sự rất nhớ những món ăn ngày Tết như: bánh chưng, giò lụa ông bà làm… Nhớ buổi sáng mùng 1 dậy sớm cùng mẹ làm mâm cỗ Tết thắm hương gia tiên, nhớ cảnh hàng xóm sang nhà nhau chúc Tết huyên náo cả một vùng quê…”.
Hà Uyên chia sẻ: “Điều mình nhớ nhất ngày Tết là bữa cơm ngày đầu năm mới, quây quần bên gia đình từ trẻ nhỏ tới người già, cùng nhau trò chuyện về một năm vừa qua” |
Với Hà Phương, du học sinh Việt Nam tại Pháp, dù đã quen hơn với cuộc sống ở nước ngoài sau ba năm sinh sống và học tập nhưng nỗi nhớ nhà vẫn luôn thường trực vì ở “trời Tây” khó mà cảm nhận được không khí Tết cổ truyền. Mỗi năm, Phương đều thấy tiếc vì không được sum vầy cùng bố mẹ, người thân và bạn bè ở Việt Nam.
Phương tâm sự: “Những dịp Tết, mình cũng cảm thấy buồn vì không được gặp trực tiếp mọi người ở nhà. Gia đình vẫn liên tục gọi điện hỏi han, động viên, lúc nào ổn thì về nhà thăm mọi người nhưng dù sao thì mỗi dịp Tết đến là mình lại thấy buồn, thấy tủi thân”.
Hà Phương tuy đã quen hơn với cuộc sống xa nhà nhưng mỗi dịp Tết đến cô gái vẫn không khỏi bùi ngùi nhớ bố mẹ |
Trong ba năm xa nhà, Đức Anh – du học sinh tại Mỹ luôn nhớ da diết cảm giác được đón thời khắc giao thừa bên gia đình thân yêu…
Để nỗi nhớ nhà vơi đi khi đón Tết nơi ‘xứ người’
Để vơi đi nỗi nhớ, các bạn du học sinh đều có những cách riêng để mang không khí Tết cổ truyền đến với “xứ người”.
Đối với Hà Uyên, đây là năm đầu tiên Uyên xa nhà dịp Tết. Vẫn muốn có một cái Tết Việt Nam ở nước ngoài, Uyên cùng bạn bè sắm sửa đồ Tết như giò, bánh chưng, bên cạnh đó bố mẹ còn gửi bánh kẹo tết như mứt, bánh gấu,… những thứ Uyên thích ăn ngày Tết. Uyên vẫn làm bữa cơm Tết chuẩn hương vị Việt và gọi cho gia đình vào đêm giao thừa, chúc mừng năm mới người thân và bạn bè.
Hà Uyên (áo đỏ) cùng bạn bè trong ngày Tết Nguyên đán |
3 năm sinh sống và học tập tại Pháp, Hà Phương đã có 2 năm đón Tết xa nhà. Năm nay, Phương đã tìm được niềm vui trong dịp Tết Nguyên Đán ở nước ngoài bằng cách tham dự các sự kiện Tết cùng bạn bè người châu Á. Ngoài ra, Phương cũng tự chuẩn bị mâm cỗ Tết vào đêm Giao thừa để tạo không khí gần gũi với quê hương đất nước.
Phương hào hứng kể: "Năm nay, vào dịp Tết đến, mình tham dự sự kiện Tết ở Pháp do hội sinh viên Việt Nam của thành phố đứng ra Tổ chức. Cộng đồng người Việt ở đây cũng lớn và dịp lễ này là cơ hội để những anh chị em hay sinh viên xa nhà chung vui và làm quen lẫn nhau để xua cảm giác cô đơn nơi xứ người.
Để hoà mình vào dịp Tết Nguyên đán, mình hay chuẩn bị một mâm cỗ nhỏ với những món ăn Việt Nam. Mình sẽ chi tiêu thêm cho những dịp đặc biệt như thế này vì Tết Nguyên đán là một nét văn hoá đẹp và giàu giá trị truyền thống của dân tộc. Đó là một cách để mình trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc khi ở nước ngoài”.
Hà Phương đã chuẩn bị một mâm cỗ mang hương vị Tết cổ truyền Việt Nam cùng bạn bè đón Tết |
Cảm xúc của Đức Anh khi không được đón Tết tại Việt Nam chắc hẳn cũng sẽ giống cảm xúc của những bạn du học sinh Việt khác. Dù có bận bịu trong ngày đến đâu thì Đức Anh cũng luôn cố gắng thu xếp thời gian, cùng bạn bè người Việt đi chùa cúng Giao thừa.
“Ở bên Mỹ, mình thường đi lễ chùa cùng bạn bè vào thời khắc giao thừa, sau đó mọi người cùng nhau tụ tập, nấu mâm cỗ ngày Tết, rồi cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, vui vẻ đàn hát những bài nhạc xuân”, Đức Anh kể.
Ở Mỹ, Đức Anh thường quây quần bên mâm cỗ ngày Tết cùng bè rồi cùng nhau đàn hát những bài nhạc xuân để vơi đi nỗi nhớ nhà trong dịp Tết |
Dịch bệnh COVID-19 làm các du học sinh không thể trở về nhà trong thời gian dài. Xa nhà dịp Tết, các bạn càng nhớ gia đình, nhớ quê hương nhiều hơn. Trong lòng các bạn không chỉ có nỗi nhớ mà còn có cả hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để mọi người có thể về nước, đoàn tụ cùng người thân của mình. Bên cạnh đó, trong lòng ai cũng quyết tâm cố gắng học tập thật tốt để trở về quê nhà, cống hiến sức trẻ cho đất nước.