A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm chất lượng

Trước tác động của đại dịch COVID - 19, không ít doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), từ năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025.

Trước hiện trạng của nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề vừa qua, ước tính chung năm 2020 thương mại điện tử nước ta vẫn tăng trưởng khoảng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Quan trọng hơn, với sự thay đổi nhanh của người tiêu dùng trên toàn cầu và đặc biệt ở Việt Nam trong thói quen mua sắm trực tuyến, có thể nhận định thương mại điện tử Việt Nam nói riêng cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có hàng hóa sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin nói chung cũng như thương mại điện tử hoặc chưa sẵn sàng để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại rộng trên nhiều nền tảng khác nhau. Đây chính là điểm yếu của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, đứng trước bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID - 19, đa số doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh là nhu cầu sớm muộn mà mọi doanh nghiệp cần phải triển khai, nó cũng là chủ trương của Đảng và nhà nước ta trong nhiều năm trở lại đây khi đề ra mục tiêu chuyển đổi số toàn quốc gia. Tác động của đại dịch chỉ là chất xúc tác thêm để mọi doanh nghiệp thấy được sự cần thiết phải xúc tiến thương mại theo kênh trực tuyến.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã giao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức "Hội chợ kết nối giao thương và xúc tiến thương mại ứng dụng thương mại điện tử (ECOMMERCE EXPO 2022)". Hội chợ đã thu hút được hàng nghìn lượt khách tham quan trực tiếp đề tìm kiếm thông tin hàng hóa sản phẩm từ các vùng miền về tham gia trưng bày.
Với hơn 80 gian hàng offline, 100 gian hàng online cùng hàng trăm sản phẩm gồm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của gần 100 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã sản xuất trên cả nước... được trưng bày tại không gian Công viên Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. 

Bên cạnh đó, chương trình đã mang đến trải nghiệm văn hoá đặc sắc của Tây Nguyên với “Đêm Tu Mơ Rông - Kon Tum Đại Ngàn” rất ấn tượng. Đây được xem là sự giao thoa văn hoá Tây Nguyên và đồng bằng vô cùng giá trị và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mặt khác, chương trình là giải pháp xúc tiến thương mại ứng dụng Chuyển đổi số trong doanh nghiệp giải quyết bài toán kinh doanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan