Nhà sáng lập FinPeace: VN-Index sẽ không “thủng đáy”, nhà đầu tư không nên quá FOMO
"Hiện chưa phải sóng tăng chính, nhà đầu tư chưa kịp tham gia thị trường cũng không nên quá FOMO".
Diễn biến hạ lãi suất điều hành, bao gồm cả mức lãi suất tái cấp vốn và trần lãi tiền gửi 6 tháng, cho thấy thông điệp mạnh mẽ hơn so với đợt hạ lãi suất điều hành trước. Liệu những kỳ vọng tích cực về tương lai có đủ để áp đảo được kết quả kinh doanh quý 1 được dự báo ảm đạm. Chưa kể sang tháng 4 này cũng là thời điểm đợt chốt NAV của các quỹ đã chấm dứt, và đà mua ròng của khối ngoại cũng vì thế có thể suy yếu….
Trong chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Tuấn Anh, Sáng lập FinPeace đánh giá rằng thị trường đã có những phản ứng tích cực hơn trong đợt hạ lãi suất lần 2 này.
Ông Tuấn Anh cho biết thị trường chứng khoán trong trạng thái bình thường luôn đi trước các thông tin về kết quả kinh doanh. Phản ứng thuận chiều với thông tin tích cực, chứng tỏ những thông tin này đã "ngấm" vào thị trường trong ngắn hạn và lan tỏa tới sự tự tin của nhà đầu tư.
Nhận định về động thái bán ròng của khối ngoại, nhà sáng lập Finpeace cho rằng NĐT ngoại mua ròng ở giai đoạn trước không hẳn là điều tích cực. Đơn giản, họ thấy thời điểm tạo đáy của VN-Index cũng đồng thời là giai đoạn định giá thị trường ở mức rẻ trong dài hạn. Tuy nhiên, xét theo góc độ ngắn hạn, ông Tuấn Anh cho rằng nhà đầu cơ bán ra mạnh nên nhà đầu tư nước ngoài mới mua ròng nhiều như vậy.
Cần lưu ý, tỷ trọng nhà đầu tư trong nước rất lớn bao gồm cả giá trị tài sản ròng và số lượng lệnh lớn. Chuyên gia cho hay: "Việc cải thiện lòng tin của nhà đầu cơ và nhà đầu tư trong nước mới là bệ đỡ quan trọng nhất, do chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào ngoại lực."
Ngoại lực đóng góp tỷ trọng giao dịch không nhiều trên thị trường, do vậy việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ngắn hạn cũng là một điều tốt nếu quan sát thị trường ngắn hạn.
Ông Tuấn Anh cho rằng nhà đầu tư theo phân tích kỹ thuật cần hiểu rằng có 2 trường phái lớn. Nếu đọc sách, có một vài tác giả viết sách theo chiến lược đầu tư khi thị trường Trending, khi thị trường Sideway tác giả sẽ bỏ qua, không giao dịch và ngược lại nhiều sách viết rằng họ chỉ đầu tư khi thị trường Sideway mà bỏ qua thị trường Trending. "Đọc nhiều sách đôi lúc cũng không tốt, dễ khiến chúng ta “tẩu hỏa nhập ma”, tưởng rằng công thức đầu tư này đúng nhưng hóa ra nó đã đúng ở thời điểm quá khứ", chuyên gia chỉ rõ.
Kịch bản nào cho VN-Index?
Nhà sáng lập Finpeace chia sẻ quan điểm cá nhân rằng thị trường sẽ có có khả năng vỡ đáy như một số chuyên gia đã nhắc tới kịch bản này. Nhìn theo góc độ kỹ thuật, khả năng "vỡ đáy" năm ngoái khó có thể xảy ra.
Nhìn chung, thị trường vẫn đang trong trạng thái phân hóa song vẫn xuất hiện một số nhóm cổ phiếu "vượt mặt" thị trường chung, điển hình như nhóm chứng khoán, sau đó là nhóm bất động sản, ngân hàng.
"Thị trường đang phân nhóm, có những nhóm đi trước tiên phong, có nhóm đi trung bình cùng VN-Index và có những nhóm rất chậm đi sau. Đây là đặc thù của "Sóng tăng đầu", khi mà "Sóng tăng chính" chưa thuyết phục được tất cả các mã, gây nên sự phân hóa", ông Tuấn Anh nhận định.
Theo vị chuyên gia, nếu nhịp tăng điểm này là sóng tăng thật, sắp tới thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh và sau đó, sóng tăng chính sẽ xuất hiện. Ngay khi xuất hiện sóng tăng chính, tất cả các mã sẽ tăng cùng một lúc, đồng nhịp chứ không khác nhịp như thời điểm hiện tại. Ví dụ như trong một nhóm chứng khoán, các cổ phiếu VCI, FTS đã lập đỉnh đi lên trước trong khi VND đang ở dưới và SSI mới bắt đầu vươn lên đỉnh.
"Hiện chưa phải sóng tăng chính. Nếu nhà đầu tư chưa kịp tham gia thị trường cũng không nên quá FOMO, điều cần làm là chờ đợi một nhịp điều chỉnh. Tại nhịp điều chỉnh đó, giá giảm cộng thêm thanh khoản tụt xuống thấp trở lại, có thể là một cơ hội đầu tư quan trọng", chuyên gia kết luận.