Infosys - Công ty của bố vợ Tân thủ tướng nước Anh: Từ 250 USD vốn ban đầu trở thành tập đoàn giá trị hàng chục tỷ USD
Ông Rishi Sunakvà vợ mình - bà Akshata Murthy, đồng người sở hữu khối lượng tài sản tương đối lớn (khoảng 730 triệu bảng Anh). Phần lớn tài sản của hai vợ chồng bà Sunak tới từ 0.93% cổ phần trong Infosys.
Nước Anh vừa có thủ tướng đầu tiên là người gốc Ấn Độ, ông Rishi Sunak. Bên cạnh sự nghiệp chính trị, ông và vợ mình - bà Akshata Murthy, đồng người sở hữu khối lượng tài sản tương đối lớn (khoảng 730 triệu bảng Anh).
Bà Akshata là con gái của ông chủ tập đoàn Infosys – một trong những công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ. Phần lớn tài sản của hai vợ chồng bà Sunak tới từ 0.93% cổ phần trong Infosys – được ước tính trị giá khoảng 700 triệu bảng Anh – tức hơn 95% tổng tài sản của hai người - cho thấy tầm vóc của doanh nghiệp này tại đất nước tỷ dân ở khu vực châu Á.
Infosys là doanh nghiệp khá lâu đời tại Ấn Độ khi được thành lập từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với số vốn tương đối ít ỏi. Song dưới sự lãnh đạo của ông Narayan Murthy - chủ tịch hiện tại của tập đoàn, Infosys đã từng bước lớn mạnh và trở thành một trong những thế lực tại Ấn Độ.
Chỉ 6 năm sau ngày thành lập, Infosys đã mở được chi nhánh đầu tiên của mình tại Boston, Mỹ và nhanh chóng trở thành công ty đại chúng vào năm 1993. Năm 1999, công ty đạt doanh thu 100 triệu USD, đồng thời có cổ phiếu được niêm yết trên sàn NASDAQ của Hoa Kỳ.
Không dừng lại ở đó, họ tiếp tục có những bước phát triển thần tốc, mở nhiều chi nhánh tại các quốc gia khác và cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2004 và 10 tỷ USD vào năm 2016. Tháng 8 năm 2021, trước sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ, lần đầu tiên giá trị thị trường của Infosys chạm tới mốc 100 tỷ USD và là công ty thứ tư của Ấn Độ chạm tới mốc này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Infosys sở hữu 13 chi nhánh trên toàn cầu, là sự lựa chọn của các tổ chức tài chính trên 84 quốc gia và phục vụ gần 550 triệu khách hàng. Công ty hiện có tới 345,000 nhân viên đang làm việc với giá trị thị trường khoảng 71,5 tỷ USD – đứng thứ hai tại Ấn Độ chỉ sau Tata Consultancy Services trong ngành công nghệ thông tin và nằm trong danh sách Fortune Global 2000.
Điều này cũng lý giải tại sao tài sản của vợ chồng ông Sunak lại lớn đến vậy, khi vợ ông nắm giữ gần 1% số cổ phần của công ty này.
Một trong những dịch vụ ăn khách nhất của Infosys – Edgeverve (Ảnh: Infosys)
Chủ tịch và một trong bảy nhà sáng lập đầu tiên của công ty – ông Murthy lọt vào top 5 nhà lãnh đạo toàn cầu được ngưỡng mộ nhất vào năm 2005 của The Economist và được bầu chọn là một trong 25 nhà kinh doanh toàn cầu của CNBC vào năm 2014. Ông cũng đồng thời là người Ấn Độ đầu tiên giành được giải thưởng Doanh nhân thế giới của năm từ Ernst and Young.
Đây đều là những phần thưởng vô cùng xứng đáng cho những gì mà ông đã làm được với Infosys – biến công ty từ một doanh nghiệp với chỉ 250 USD vốn ban đầu trở thành tập đoàn được định giá lên tới hàng chục tỷ USD tại thời điểm hiện nay.
Ông Murthy – chủ tịch hiện tại và là nhà sáng lập của Infosys (Ảnh: Infosys)
Doanh thu của công ty trong năm tài chính 2022 đạt 16 tỷ USD với mức lợi nhuận là 2,8 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 9/ 2022 trong năm tài chính 2023, công ty đạt mức doanh thu 9 tỷ USD (tang 15,7% so với năm trước) với lợi nhuận tăng 1,7%, đạt 2 tỷ USD. Đây đều là những con số ấn tượng trong bối cảnh ngành công nghệ đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid – 19 – giai đoạn bùng nổ của ngành công nghiệp này.
Những con số ấn tượng của Infosys (Ảnh: Infosys)
Infosys cung cấp rất nhiều dịch vụ, trong đó có thể kể đến hệ thống ngân hàng toàn cầu EdgeVerve, tiếp thị kỹ thuật số, công nghệ đám mây cũng như một số nền tảng về AI… Khách hàng của Infosys chủ yếu là các doanh nghiệp trong ngành tài chính (chiếm trên 30%), theo sau là các doanh nghiệp bán lẻ, năng lượng và truyền thông. Các khách hàng này chủ yếu tới từ khu vực Bắc Mỹ (chiếm 62,5% lượng người dùng của doanh nghiệp) và châu Âu (chiếm 24,7%).
Trong số các khách hàng của Infosys, có tới hơn một nửa là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi số lượng khách hàng đem lại doanh thu trên 100 triệu USD chỉ chiếm khoảng 2%.
Có thể thấy, Infosys đang tập trung vào phân khúc khách hàng vừa và nhỏ; họ hiện sở hữu lượng khách hàng lớn ở hai thị trường hàng đầu (bên cạnh Trung Quốc) về công nghệ trên thế giới, đem lại cho họ lượng khách hàng dồi dào và hoàn toàn có thể mở rộng thêm trong nhiều năm tới.
Mặc dù đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ, song Infosys vẫn không ngừng đổi mới và phát triển. Kể từ năm 2015, họ đã cho ra mắt quỹ đổi mới mang tên của Tập đoàn nhằm đầu tư vào các dự án về công nghệ trên toàn cầu, với kỳ vọng sẽ tìm ra và phát triển thêm các công nghệ mới để phục vụ khách hàng tốt hơn nữa.
Với sự phát triển của Infosys cùng những công ty công nghệ khác, Ấn Độ đang có một nền tảng công nghệ thông tin vô cùng vững chắc. Với việc công ty tiếp tục phát triển và có tiềm năng lớn trong việc gia tăng giá trị trong tương lai, tài sản của vợ chồng ông Rishi Sunak chắc chắc sẽ không dừng lại ở con số 700 triệu bảng Anh.