A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị thương hiệu Việt còn thấp, thiếu doanh nghiệp tư nhân lớn tầm cỡ thế giới

Đây là phân tích được chỉ ra tại kết quả đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, nhóm VPE 500 được lựa chọn dựa trên việc xếp hạng 3 tiêu chí lao động, tổng tài sản, doanh thu.

Theo kết quả nghiên cứu, trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần như doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần khoảng 123 lần. Tỷ lệ doanh nghiệp có xuất khẩu lên tới 58% so với 7,73% của các doanh nghiệp tư nhân còn lại.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội, nên dù chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp, nhưng VPE500 lại có đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho khoảng 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

"Có thể nói, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp" - báo cáo VPE500 nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, VPE500 chưa trở thành lực lượng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế. Chính sách với doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện, theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt chính cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật