A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Foxconn, Pegatron đưa Đông Nam Á vào kế hoạch phát triển 2023

Theo Hãng tin Bloomberg, các đối tác của Apple là Foxconn và Pegatron đều đưa Đông Nam Á vào kế hoạch phát triển năm 2023, có thể có cả Việt Nam.

Foxconn, Pegatron đưa Đông Nam Á vào kế hoạch phát triển 2023

 

Foxconn, Pegatron đều đã bắt đầu kế hoạch mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc từ sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Đông Nam Á là một trong những điểm đến nổi bật của xu hướng này - Ảnh: REUTERS

Theo Bloomberg, tập đoàn Foxconn và Pegatron đều đưa Đông Nam Á vào kế hoạch phát triển cho năm 2023. Điều này báo hiệu các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn sẽ tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc, nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị và tài chính.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quy mô của mình ở Trung Quốc đại lục, châu Mỹ và Đông Nam Á, và những nỗ lực này sẽ nở rộ vào năm 2023", ông Younger Liu, chủ tịch Công ty Hon Hai thuộc Foxconn, cho biết tại một sự kiện ngày 15-1.

Trong khi đó, đối thủ của Foxconn là Pegatron sẽ phân bổ 300 triệu đến 350 triệu USD trong năm nay cho chi phí vốn. Một phần khoản chi này sẽ được dùng để phát triển năng lực của Pegatron ở Đông Nam Á và tăng cường sản xuất phụ tùng ô tô ở Mexico, theo giám đốc điều hành Johnson Teng của hãng.

Ngoài việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, cả Foxconn và Pegatron đều đang sản xuất một số thiết bị cầm tay mang tính biểu tượng của Apple ở Ấn Độ.

Theo Bloomberg, Apple cũng có thể chuyển sang Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế cho các sản phẩm khác, bao gồm cả AirPods.

Phó chủ tịch Pegatron Jason Cheng cho biết công ty sẽ bổ sung năng lực tại Việt Nam và Indonesia.

Pegatron hiện không sản xuất các sản phẩm của Apple ở cả Việt Nam và Indonesia. Foxconn không nêu cụ thể những địa điểm quốc tế Đông Nam Á mà họ dự định mở rộng.

Theo Bloomberg, các nhà sản xuất trên đã bắt đầu mở rộng đáng kể mạng lưới sản xuất của mình bên ngoài Trung Quốc trong thời kỳ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đã áp đặt thuế quan nghiêm ngặt đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Nhiều nhà cung cấp sau đó tiếp tục đẩy nhanh các nỗ lực đa dạng hóa, bởi các đợt đóng cửa kéo dài tại Trung Quốc do COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật