A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Đưa doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều ngày 24.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021-2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” ở mức độ hợp lý và bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp cùng quy định về thuật ngữ pháp lý “chủ sở hữu hưởng lợi”; rà soát các dự án luật đang đồng thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm sự thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này với tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

“Thiết kế quy định hợp lý, không tạo thêm áp lực lên hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì những vấn đề thuộc Quốc hội thì trình Quốc hội còn những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì tách bạch ra” - Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung pháp luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật