A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diêm Thống Nhất, phích Rạng Đông 'vang bóng một thời' hiện ra sao?

Hàng loạt thương hiệu Việt như phích nước Rạng Đông, bột giặt LIX, cao su vàng, sá xị Chương Dương, diêm Thống Nhất, mì miliket… khi nhắc đến sẽ khơi gợi những ký ức đẹp đẽ của người tiêu dùng. Đến nay, dưới sức ép quá lớn của thị trường, các thương hiệu này có những ngã rẽ khác nhau.

Tìm thị trường ngách

Thời bao cấp, nhà ai cũng nâng niu chiếc phích nước Rạng Đông như một món đồ có giá trong nhà. Bóng đèn tròn Rạng Đông sợi đốt lúc bây giờ với ánh sáng vàng ấm áp cũng là một phần ký ức của hàng triệu người.

Ngày nay, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán: RAL) là hiện thân của những ký ức đó. Dù bị cạnh tranh khốc liệt nhưng các sản phẩm của Rạng Đông vẫn được người tiêu dùng đón nhận.

Ngày xưa, phích nước Rạng Đông như một món đồ có giá trong nhà.

Bằng chứng là quý IV/2022, doanh thu của Rạng Đông đạt 2.806 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế gần 210 tỷ đồng (tăng 26% so với quý IV/2021). Đây là con số lãi theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết của RAL.

Cả năm 2022, Rạng Đông có doanh thu 6.910 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hơn 486 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, RAL vẫn duy trì được đà tăng trưởng, khi đạt doanh thu đạt 2.137 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận RAL hơn 182 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, mì Miliket quen thuộc với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì qua thời gian đã hằn sâu trong tiềm thức người dân. Hiện, mì miliket cũng chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp lớn, như Mì 3 miền, Vina Acecook, Asia Food, Masan… nhưng nó vẫn sống khỏe.

Báo cáo tài chính của Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket (mã chứng khoán: CMN) chỉ ra, doanh thu năm 2022 lập kỷ lục 631 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021. Thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chủ lực của Colusa - Miliket, khi đóng góp 590 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, Colusa - Miliket báo lãi trước thuế gần 27 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021.

Mì Miliket quen thuộc với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì.

Là một doanh nghiệp không vay nợ, Colusa - Miliket năm qua chỉ trả 210 triệu đồng chi phí tài chính. Trong khi đó, công ty nhận về doanh thu tài chính 6,4 tỷ đồng từ các khoản tiền gửi ngân hàng. Tại 31/12/2022, Colusa - Miliket có 47 tỷ đồng tiền mặt và 158 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Năm 2023, doanh nghiệp này lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 3% còn 26 tỷ đồng, tổng doanh thu dự kiến đạt 747 tỷ đồng.

Bột giặt LIX là thương hiệu gần 50 năm phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ chủ động thích nghi với thời cuộc và khai thác thị trường nông thôn, năm 2022, Công ty CP Bột giặt LIX (mã chứng khoán: LIX) đạt doanh thu 2.815 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 213 tỷ đồng. EPS đạt hơn 5.900 đồng.

Sống lay lắt

Sá xị Chương Dương là loại nước giải khát quen thuộc với người tiêu dùng ở miền Nam. Mỗi khi nhấp ngụm nước này, người ta hay ngâm nga: “Tình như Chương Dương - thương như sá xị”. Thế nhưng, sức ép quá lớn của thị trường, trong khi nguồn lực để phát triển sản phẩm hạn chế khiến thương hiệu này tồn tại lay lắt dưới cái bóng quá khứ.

Sá xị Chương Dương đang thua lỗ.

Quý IV/2022, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD) báo lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng. Như vậy, Chương Dương đã nối dài chuỗi thua lỗ lên 8 quý liên tiếp kể từ quý I/2021. Cả năm 2022, Nước giải khát Chương Dương thu 169 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 49 tỷ đồng - mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Trong hai năm 2021 - 2022, công ty lỗ hơn 85 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ.

Hiện tại, Chương Dương hoạt động với vai trò là công ty con, phụ trách hoạt động sản xuất nước giải khát của Tổng công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB). Trong đó, Sabeco nắm 62,06% vốn điều lệ Chương Dương. Nhiều lãnh đạo của Sabeco cũng đang đảm nhiệm vai trò quản lý cấp cao trong ban quản trị và điều hành của Chương Dương.

Là thương hiệu rượu vang nội địa đầu tiên của Việt Nam, Công ty CP Vang Thăng Long (mã chứng khoán: VTL) ngày càng đuối sức trong cuộc chiến giành thị phần với các hãng rượu ngoại. Quý I/2023, VTL có doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ và lỗ gần 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 67 tỷ đồng.

Vang Thăng Long đang "nhạt" dần đi.

Năm 2022, công ty cũng báo lỗ gần 36 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 63 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 12 tỷ đồng. Đây chính là lý do khiến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo về việc gần 50,6 triệu cổ phiếu VTL bị huỷ niêm yết vào ngày 19/5/2023.

Diêm Thống Nhất ra đời từ năm 1956 với nhận diện quen thuộc là bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh. Cách đây một thập kỷ, mức tiêu thụ diêm lên tới 180 triệu bao mỗi năm. Tuy nhiên, Diêm Thống Nhất đã bị khai tử và dừng sản xuất từ năm 2020. Với việc xóa sổ hoạt động sản xuất diêm, Công ty CP Diêm Thống Nhất (mã chứng khoán: DTN) chỉ tập trung vào sản phẩm bật lửa.

Diêm Thống Nhất bị xóa sổ.

Hồi cuối tháng 10/2020, hơn 2 triệu cổ phiếu DTN phải rời sàn Upcom. Nguyên nhân do Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Diêm Thống Nhất đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch từ năm 2014 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu. Từ khi lên sàn, cổ phiếu DTN chịu cảnh hầu như không có thanh khoản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật