A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt

Cao Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Bạch Điệp, Mai Kiều Liên và Nguyễn Thị Nga là các nữ tướng dẫn dắt, kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp mỗi năm.

Họ là những người nắm vai trò chèo lái các doanh nghiệp nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, vượt qua khó khăn, đạt đến thành công đáng kinh ngạc.

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung

Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, được biết đến là một nữ doanh nhân thép trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ). Trước đó bà từng kiêm nhiệm cả 2 vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PNJ từ năm 2004 - 2018.

Dưới sự dẫn dắt của bà, PNJ từng bước tạo dựng sức mạnh, giá trị văn hóa nổi bật, tìm ra mắt xích kết nối hệ sinh thái phát triển bền vững thành chuỗi liên hoàn.

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung.

Sau hàng thập kỷ phát triển, PNJ hiện có đến 7000 nhân viên, hơn 450 cửa hàng. Bà Cao Thị Ngọc Dung đã tạo nên triết lý kinh doanh cho PNJ đó là lòng tin giữa các phòng ban với nhau. Bà cho rằng kinh doanh trang sức, kim loại quý cần phải tin tưởng lẫn nhau thì mới có thể kinh doanh lâu dài và phát triển. Chính niềm tin này đã gắn kết lãnh đạo, nhân viên PNJ để đạt được những thành công như ngày hôm nay.

Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung còn được mệnh danh là “người đàn bà thép” khi bà đã giúp PNJ vượt qua giai đoạn khó khăn từ năm 2007 - 2011. Bà đã thành công trong việc tái cơ cấu PNJ bằng những chiến lược kinh doanh xuất sắc.

PNJ dưới sự lãnh đạo xuất sắc của bà đã đạt được những mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng và trang sức hàng đầu Việt Nam. Năm 2019, Cao Thị Ngọc Dung nhận doanh hiệu thành tựu trọn đời ngành kim hoàn châu Á.

Cuối năm 2019, PNJ ghi nhận lợi nhuận lên đến 1.000 tỷ đồng, doanh thu lên đến 17.000 tỷ đồng, nắm hơn 1/4 thị phần ngành trang sức vàng. Chính sự thành công của PNJ đã giúp nữ doanh nhân sở hữu khối tài sản hơn 1.000 tỷ đồng và nhiều năm nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam.

Năm 2022, bà Cao Thị Ngọc Dung là một trong 60 người được VCCI vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là nhà sáng lập Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Bà tốt nghiệp tiến sĩ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, cử nhân Tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moskva, cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động trường Kinh tế Quốc dân Moskva, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Liên bang Nga.

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo.

Theo xếp hạng thực mới nhất của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản ước tính 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1.284 trong danh sách tỉ phú thế giới. Hiện bà là nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

Để xây dựng được Vietjet Air tăng trưởng thần tốc như ngày hôm nay, bà Thảo đã gặp nhiều khó khăn khi mới bắt đầu. Bên cạnh đó bà còn phải chịu áp lực từ các ông lớn như Vietnam Airlines và đầy ánh mắt soi xét từ thị trường.

Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình của bà, Vietjet Air đã tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ 2014 - 2016, hãng bay này đã chiếm 29% thị phần.

Tính đến năm 2019, Vietjet đã chiếm hơn 40% thị phần nội địa, ghi nhận lãi kinh doanh ngay trong năm thứ 2 cất cánh.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 12.880 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 168 tỉ đồng, tăng 320% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 69 nghìn tỉ đồng.

Hiện ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT Vietjet Air, bà còn là Chủ tịch HĐQT Sovico, một tập đoàn kinh tế đa ngành, đóng góp cho sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần kiến tạo nên hình ảnh một đất nước hội nhập, tự cường, đổi mới và phát triển. Đồng thời, bà cũng là Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank - ngân hàng hiện đại, đi lên liên tục suốt 10 năm qua từ quy mô khiêm tốn khi bắt đầu đổi mới.

Doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp

Bà Nguyễn Bạch Điệp sinh năm 1972, hiện là Chủ tịch HĐQT FPT Retail. Bà tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM ngành Quản trị kinh doanh. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, Bà Bạch Điệp bắt đầu làm việc tại FPT, một tập đoàn công nghệ hàng đầu và là công ty mẹ của FPT Retail từ năm 1997.

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Doanh nhân Nguyễn Bạch Điệp.

Với sự dẫn dắt của bà, năm 2022, chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu thuộc FPT Retail đạt được những cột mốc cực kỳ ấn tượng khi cán mốc 1.000 cửa hàng, 5 triệu khách hàng đến mua sắm/tháng; hơn 2,5 triệu khách hàng mua sắm trên nền tảng trực tuyến/ tháng trong khi ứng dụng Nhà thuốc FPT Long Châu cũng cán mốc hơn 2 triệu người dùng sau 1 năm ra mắt.

Tại Đại hội cổ đông ngày 14/4/2023, FPT Retail thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận trước thuế là 240 tỷ đồng, giảm 51% so với kết quả năm 2022.

Năm 2022, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng FPT Retail vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu, cụ thể, doanh thu hợp nhất lũy kế đạt 30.166 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, hoàn thành 112% kế hoạch năm.

Trong đó, chuỗi FPTShop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ; doanh thu chuỗi Long Châu đạt con số ấn tượng 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.

Doanh nhân Mai Kiều Liên

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris (Pháp) trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Năm 1957, gia đình bà trở về Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Moskva.

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

Doanh nhân Mai Kiều Liên.

Trở về nước, bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Khi lên vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp này vào năm 2003, bà đưa thương hiệu sữa Vinamilk đến gần hơn với người tiêu dùngtrong nước và 23 quốc gia khác nhau.

Với những cống hiến hết mình cùng tài năng kinh doanh, lãnh đạo, bà Liên được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư. Không chỉ nằm trong top những doanh nhân nữ thành đạt nhất Việt Nam, bà còn được Tạp chí Forbes 4 lần liên tiếp vinh danh trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Suốt 47 năm tại Vinamilk, nữ lãnh đạo này đã vận dụng được kiến thức tư duy, sự sáng tạo của một người làm kỹ thuật, một nhà khoa học để phát triển Vinamilk từ nền tảng chắc chắn, góp phần vào sự phát triển của ngành chế biến sữa và chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.

Hiện Vinamik đang vận hành 16 nhà máy và 14 trang trại trong và ngoài nước. Vinamilk còn ghi dấu ấn trên bản đồ ngành sữa thế giới với vị trí thứ 36 trong nhóm 50 các công ty sữa hàng đầu thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, 2021) và là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong danh sách này.

Theo báo cáo ngành Thực phẩm & đồ uống 2022 của Brand Finance, Vinamilk lại tiếp tục "lập kỷ lục mới” khi gia tăng giá trị thương hiệu của mình 18%, đạt 2,8 tỷ USD, vươn lên vị trí thương hiệu tiềm năng nhất trong ngành sữa toàn cầu.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga

Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank - là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.

Những nữ doanh nhân kiếm nghìn tỷ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 5.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga.

Bà Nga góp mặt liên tục trong danh sách các phụ nữ có ảnh hưởng của Forbes Việt Nam. Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ đầu những năm 1990. Đến năm 1993, bà cùng chồng thành lập Tập đoàn BRG (BRG Group), tập đoàn đầu tư đa ngành và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bà Nga cũng nổi tiếng với các thương vụ M&A, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh.

Dưới sự dẫn dắt của bà, BRG Group đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như golf, khách sạn, bất động sản. Ngoài ra, bà còn đầu tư trải rộng trên các lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, bán lẻ, du lịch và cả nông nghiệp.

Bà Nga được xem là người truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân thế hệ sau, rằng phụ nữ có thể tự tin xây dựng doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn để đưa doanh nghiệp của mình vươn xa, đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2006, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà Nga đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT SeABank.

Đầu năm 2019, bà Nga rời ghế Chủ tịch HĐQT SeABank, lui về giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04/2019. Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia vào Ban quản trị/Ban điều hành tại hàng loạt các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” BRG Group.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật