CEO Lê Trí Thông kể chuyện pha ly sữa bột và cách học ở PNJ: Uống nhiều sữa thì mắc nghẹn, học nhiều quá thì không tốt!
Cần chọn lọc những thứ sẽ học. Hơn nữa, đôi khi cần gạt bỏ những lý thuyết, kinh nghiệm đã học được, đã gắn sâu trong tâm trí để tiếp nhận lý thuyết mới, cách làm mới. Ông Lê Trí Thông gọi đây là hành trình "Unlearn".
Kể lại lần gần nhất đi học hơn 2 tiếng đồng hồ, người từng giữ vai trò "cá mập" tại Shark Tank Việt Nam cho biết đó là buổi trao đổi với các sinh viên tại Đại học Ngoại thương. Ông học được nhiều điều từ những sinh viên, người trẻ.
Trong khi đó, ông Lê Trí Thông - CEO PNJ kể lại cuộc "đổi vai" mới diễn ra cách đây một tuần. "Lần gần nhất tôi ngồi trong lớp học là thứ Bảy tuần trước, để nghe câu chuyện bảo mật thông tin. Người trình bày là bạn Thái.
15 năm trước, Thái làm với tôi, với chức vụ Trưởng bộ phận bảo mật thông tin. Trong một chừng mực nào đó, khi ấy tôi là người hướng dẫn cho Thái về câu chuyện quản lý đội nhóm. Tuần trước, tôi là người cầm máy tính và học lại của Thái về bảo mật thông tin. Bây giờ Thái là một trong những chuyên gia bảo mật có tiếng ở Silicon Valley. 15 năm trước mình là người hướng dẫn, còn bây giờ mình là học trò của bạn" .
Khác với cá nhân, tại doanh nghiệp, chuyện học là chuyện của cả tổ chức chứ không riêng CEO hay Chủ tịch. Nếu các lãnh đạo cấp trung không đi học hoặc đi học với tâm lý bị bắt ép, không cùng nhìn vấn đề theo cùng một góc độ thì theo ông Trần Anh Vương, chắc chắn sẽ thất bại. Dẫu vậy, trên thực tế, không dễ để thuyết phục các lãnh đạo cấp trung hay nhân viên học một cách tự nguyện.
CEO Lê Trí Thông tiết lộ cách làm của mình tại PNJ, nơi đang có quy mô tới 7.000 nhân viên. "Để thuyết phục các bạn thì khó lắm, đặc biệt với quy mô 7.000 người của PNJ. Thay vào đó, tôi tạo ra một ngữ cảnh, nơi đó những ý tưởng khác nhau của các bạn được tranh luận. Ý tưởng nào thắng, hiệu quả thì đi tiếp. Nhưng cũng lật ngược, phân tích vì sao ý tưởng khác thất bại .
Ở PNJ, Thông hay lấy ví dụ về sữa bột và ly sữa. Sữa bột được lấy từ sữa bò, sau đó cô đặc, tách hết nước, cuối cùng ra phần bột. Để uống được, chúng ta phải đi pha lại với nước. Phần nước đó chính là thực tế. Cùng một loại sữa bột nhưng khi khuấy với 2 loại nước khác nhau sẽ cho 2 loại sữa có phẩm chất khác nhau. Mà uống nhiều sữa quá cũng bị mắc nghẹn nếu không có nước. Giống như một tổ chức, học nhiều quá cũng không không tốt, nếu họ chỉ học lấy phần bột mà không khuấy nước".
Shark Vương cũng kể một câu chuyện thực tế đã xảy ra tại doanh nghiệp của mình. Có những bạn lãnh đạo cấp trung đi học nhiều khóa học, từ ngắn hạn đến dài hạn. Có bạn nhân viên vào công ty khi đã tốt nghiệp Đại học, đi học thêm để lấy bằng MBA. Tuy nhiên, sau 2 năm học MBA, nhân viên ấy không còn xông xáo như xưa. Khi được giao việc lại lôi kiến thức, phân tích một hồi, cuối cùng không làm được gì nữa.
Cần chọn lọc những thứ sẽ học. Hơn nữa, đôi khi cần gạt bỏ những lý thuyết, kinh nghiệm đã học được, đã gắn sâu trong tâm trí để tiếp nhận lý thuyết mới, cách làm mới. Ông Lê Trí Thông gọi đây là hành trình "Unlearn".
"Công thức làm cho mình thành công có thể trở thành công thức mở đường cho mình đến thất bại . Người lãnh đạo phải đủ tỉnh táo để unlearn. Ví dụ, khi startup một công ty nhỏ, mình thường coi những co-founder hoặc những quản lý đầu tiên như anh em, đồng chí. Tuy nhiên, đến lúc công ty lớn lên, quy mô 500-1.000 người, câu chuyện anh em, huynh đệ lại trở thành điều cản trở.
Ví dụ, mình có 10 người thân cận nhất làm anh em thì 10 người đó có khả năng ngăn cản 20 người khác ở dưới. Lúc đó, phải đi sửa lại công thức ngày xưa để làm sao quy mô 500-1.000 người vẫn có được sự bài bản, bộ máy vẫn chạy như cũ, lại tạo thêm chỗ đứng cho những anh em mới", CEO PNJ chia sẻ.
Theo ông, mỗi lý thuyết, niềm tin chỉ phù hợp và đúng trong một miền giá trị xác định. Nói cách khác, những kinh nghiệm, lý thuyết, niềm tin chúng ta đúc kết trong quá khứ có thể không còn đúng ở hiện tại, không còn hiệu quả hay tạo ra kết quả. Ra khỏi miền giá trị đó, lý thuyết không còn đúng hoàn toàn, phải đi tìm lý thuyết khác để có độ phân giải cao hơn.