A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để kinh tế thể thao Việt Nam đột phá

Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 được tổ chức hôm nay (17.10) là dịp nhà quản lý, những nhà đầu tư hoặc các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia trao đổi, nắm bắt thêm các vấn đề của kinh tế thể thao thực tiễn.

Để kinh tế thể thao Việt Nam đột phá

Mùa giải V.League 2024-2025 có nhiều thay đổi tích cực. Ảnh: VPF

Liên đoàn, Hiệp hội thể thao thành công nghĩa là mô hình kinh tế hiệu quả?

Năm 2023, Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Ở thời điểm đó, chủ đề xuyên suốt được gợi mở cho những người tham dự để tập trung trao đổi là: Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới. Năm nay, Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức trở lại và chủ đề trên tiếp tục được giữ nguyên.

Với đặc thù trong cơ chế và cách vận hành, thể thao Việt Nam thực hiện hoạt động tổ chức giải đấu đều bị phụ thuộc ở kinh phí do Nhà nước cấp. Làm thế nào để thể thao không còn phụ thuộc và từng môn tự chủ nguồn lực, sinh ra lợi nhuận từ giải đấu của mình là bài toán chưa tìm được lời giải.

Định vị các giải đấu và cách thức thu hút tài trợ hoặc khai thác bản quyền truyền hình để tạo những dòng tiền đổ vào giải đấu giúp thể thao phát triển... là nội dung đã được nhiều nhà quản lý nhắc tới tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam lần thứ nhất, năm 2023.

Chúng ta đang có gần 30 Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia. Bây giờ, nhiều giải tranh tài thuộc hệ thống quốc gia được Liên đoàn, Hiệp hội giữ vai trò đơn vị tổ chức không hoàn toàn phụ thuộc vào Cục Thể dục - Thể thao. Do thế, giải đấu thành công hay không hoặc đã là giải thi đấu chuyên nghiệp hay chưa phụ thuộc trong cách thực hiện của Liên đoàn, Hiệp hội.

Môn golf, bóng đá, bóng rổ đang được xem là ví dụ cụ thể ở việc làm tốt kinh tế thể thao qua giải đấu. Sự thành công phải nằm ở dòng lợi nhuận thu về và tự giải đấu có nguồn tiền chi trả các hoạt động. Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) do Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam giữ bản quyền tổ chức và từ khi diễn ra đến nay đã khẳng định được thương hiệu, bán được bản quyền truyền hình. Khán giả chấp nhận mua vé vào sân theo dõi.

Giải bóng đá vô địch quốc gia (V.League) đang thực hiện được điều này. Giải V.League là giải bán được bản quyền giá trị nhất về thể thao tại Việt Nam (gần 60 tỉ đồng/mùa, kéo dài từ năm 2023 đến năm 2027). Đồng thời, giải đấu có nhà tài trợ dài hạn ở các cấp độ. Trong khi đó, toàn bộ giải golf quốc gia đang do Hiệp hội golf Việt Nam tổ chức từng năm đều độc lập 100% kinh phí, không phụ thuộc vào ngành thể thao.

Những cái nhìn thực tiễn tìm hướng giải quyết

Một giải phong trào đang có giá trị thương mại lớn trên thị trường thể thao Việt Nam là Vnexpress Marathon. Từ giải đấu này, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng - từng đưa trao đổi: “Giải chạy đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Phải nhìn nhận thực tế, việc các đơn vị kết hợp thể thao với du lịch để khám phá từng vùng miền tạo kích thích cho người chạy sẵn sàng bỏ chi phí mua bib (số đấu) tham dự.

Bây giờ, các giải nâng tầm thêm bằng việc có nhiều vận động viên nước ngoài thi đấu. Điều đấy tạo sức hút nhưng mặt quan trọng là giá trị giải đấu được nâng tầm. Giải thể thao tạo được lợi nhuận và có nguồn đóng thuế”.

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: “Kinh tế thể thao là phạm trù rộng, người làm thể thao luôn cần những sự góp ý thực tế từ những doanh nhân, nhà đầu tư đã đồng hành với lĩnh vực thể thao. Người làm chuyên môn thể thao khó thể hình dung tốt nhất bài toán kinh tế nhưng người làm kinh tế sẽ hiểu được điều gì cần để thể thao đủ cơ hội sinh lời”.

Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024 sẽ thực hiện 3 phiên thảo luận với các chủ điểm gồm Tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao; Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai; Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật