A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bóng đá TP.HCM tụt dốc

CLB TP.HCM và Sài Gòn đều có những thời điểm cạnh tranh chức vô địch V.League nhưng giờ đây, cả hai đội lại gặp nhau ở một cuộc chiến mang tên trụ hạng.

Đội TP.HCM và Sài Gòn đều từng là những đội bóng chất lượng ở V.League. Sân Thống Nhất cũng nhộn nhịp vào mỗi cuối tuần. Người dân TP.HCM luôn chờ mong được chứng kiến những trận derby hấp dẫn. Nhưng giờ đây, điều đó không còn được duy trì.

Đó là hiện thực đáng buồn của bóng đá TP.HCM. Từ vị thế của những đội bóng hàng đầu V.League, CLB TP.HCM và Sài Gòn lại đang chật vật trong cuộc đua trụ hạng.

bong da tphcm sa sut khong phanh anh 1

CLB TP.HCM từng giành ngôi á quân V.League 2019. Ảnh: Quang Thịnh.

Tụt dốc

Mùa 2020, CLB Sài Gòn từng đứng đầu bảng trong phần lớn mùa giải với chuỗi 11 trận bất bại liên tiếp. Họ cạnh tranh chức vô địch với CLB Viettel và Hà Nội nhưng sẩy chân do còn thiếu kinh nghiệm cũng như đội hình không dày bằng hai đối thủ. Mùa giải này, CLB TP.HCM cũng thể hiện tốt khi giành vị trí thứ 5.

Trước đó một mùa, CLB TP.HCM cũng là ứng viên cho chức vô địch. Cuối mùa giải, họ giành ngôi á quân. Đội không có chuỗi bất bại ấn tượng như CLB Sài Gòn nhưng thể hiện lối chơi hiện đại, đầy bản sắc dưới thời HLV Chung Hae-seong. Mùa này, CLB Sài Gòn cũng đứng ở vị trí thứ 5.

Sau 9 vòng đấu của V.League 2022, CLB TP.HCM và Sài Gòn chia nhau hai vị trí cuối bảng xếp hạng. Một mùa trước đó, họ cũng chỉ lần lượt xếp 11 và 13 trong tổng số 14 đội.

CLB TP.HCM trải qua 4 trận thua liên tiếp. HLV Trần Minh Chiến áp lực đến mức xin từ chức. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đội bóng muốn ông tiếp tục làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, CLB Sài Gòn là đội duy nhất ở V.League 2022 chưa giành nổi chiến thắng nào. Mới nhất, ở vòng 9, họ chỉ có một điểm trong trận "chung kết ngược" với CLB Nam Định dù được chơi hơn người trong hơn 60 phút. Thậm chí, đội còn bị 10 người của đối thủ dẫn trước.

Lực lượng thiếu chiều sâu, ngoại binh kém chất lượng cùng nhiều yếu tố khách quan khiến những màn trình diễn trên sân của CLB TP.HCM lẫn Sài Gòn không đạt yêu cầu. Họ sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn hơn nữa bởi V.League 2022 đang khắc nghiệt hơn rất nhiều bởi nhiều đội bóng được đầu tư mạnh mẽ và cải thiện sức mạnh (rõ rệt nhất là CLB Hải Phòng và SLNA).

bong da tphcm sa sut khong phanh anh 2

HLV Shimoda (trái), cựu Giám đốc Kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, thất bại chóng vánh ở V.League 2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Những sai lầm

Sau mùa bóng 2020 thành công, CLB Sài Gòn đẩy mạnh việc "Nhật hóa". Họ chiêu mộ 3 ngoại binh từ xứ sở mặt trời mọc là Daisuke Matsui, Woo Sang-ho và Hiroyuki Takasaki cùng hàng loạt chuyên gia Nhật Bản.

Không chỉ vậy, CLB Sài Gòn còn để ông Vũ Tiến Thành, người tạo ra một lối đá phòng ngự phản công đầy khó chịu cho đội, giữ chức chủ tịch và giao chiếc ghế HLV trưởng lại cho ông Masahiro Shimoda, cựu Giám đốc Kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

Quyết định vội vàng này khiến CLB Sài Gòn tụt dốc. Và sau 2 trận thua liên tiếp, HLV Shimoda rời ghế HLV trưởng và về nước. Kể từ đó, CLB Sài Gòn trở nên mong manh, dễ lấy điểm hơn đối với các đối thủ ở V.League.

Việc hợp tác với một nền bóng đá mạnh hơn là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, CLB Sài Gòn thực hiện nó một cách vội vàng. Đến lúc này, điểm sáng hiếm hoi của chính sách "Nhật hóa" này là CLB Sài Gòn đưa 5 cầu thủ trẻ sang J2 League và J3 League để tập luyện, thi đấu.

Một điểm chung khác của CLB TP.HCM và Sài Gòn nằm ở ngoại binh kém. So với mặt bằng chung ở V.League, các cầu thủ như Gustavo Costa, Andre Viera, Ahn Byung-keon (CLB Sài Gòn), Brendon Lucas, Mauricio Cordeiro.. (CLB TP.CHM) đều không có chất lượng tốt. CLB TP.HCM và Sài Gòn vẫn đang phải trông cậy vào những cầu thủ nhập tịch rơi vào dạng "ông già" như Hoàng Vũ Samson và Đỗ Merlo.

Thời gian qua, hai đội bóng ở TP.HCM thường xuyên phải tìm nguồn ngoại binh mới, chưa từng làm quen với V.League. Cộng thêm những yếu tố khách quan (ảnh hưởng do dịch Covid-19), các ngoại binh của họ không thực sự chất lượng.

Những ngoại binh mới ở hai đội mùa này đều là những gương mặt mới hoàn toàn. Ở mùa 2021, HLV Alexandre Polking từng thừa nhận với Zing rằng ông không có được những cầu thủ ngoại binh mà mình ưng ý nhất để có thể xây dựng lối đá cho CLB TP.HCM.

Trong khi đó, ngoại trừ CLB Hà Nội chiêu mộ các cầu thủ Đông Âu, các đội bóng khác có xu hướng chọn những ngoại binh thể hiện được khả năng ở V.League. Ví dụ, CLB Bình Định mua Jermie Lynch, Rafaelson Fernandes. CLB Hải Phòng chiêu mộ Rimario Gordon, SLNA sở hữu Oseni còn HAGL vừa ký hợp đồng với Bruno Henrique. Những cái tên kể trên đều ít nhiều thi đấu ở Việt Nam và đó là phương án an toàn hơn cho các đội bóng.

Kỳ chuyển nhượng giữa mùa của V.League 2022 còn kéo dài đến ngày 17/8. CLB TP.HCM và Sài Gòn vẫn còn cơ hội để cải tổ lực lượng.

Một điều nữa, cả hai đội bóng cần chiến thắng để vực dậy tinh thần rệu rã sau chuỗi thận thất vọng thời gian qua.


Tác giả: Hoàng Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật