Xúc tiến thương mại miền núi chưa được tận dụng để khai thác hết tiềm năng
Để khai thác hết tiềm năng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Trung du, miền núi phía Bắc, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết để cùng thống nhất, đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực, từ đó tham gia sâu vào các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp.
Xúc tiến thương mại (XTTM) và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc (Vùng) là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường công tác XTTM, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của Vùng. Từ đó hỗ trợ các DN khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Với vị trí là cửa ngõ, cầu nối giao thương kinh tế quốc tế, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và Khu kinh tế cửa khẩu, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tăng lực kết nối giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu của Lào Cai đã và đang có những thành công nhất định.
“Lào Cai đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực; dịch vụ xuất nhập khẩu phát triển đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy làm gián đoạn giao thương, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Lào Cai”, ông Khánh nêu.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả và có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương trong Vùng còn rời rạc. Nhiều tỉnh trong Vùng nằm sát biên giới vừa là điều kiện để phát triển, nhưng cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài như buôn lậu, gian lận thương mại và các tác động trái chiều của hoạt động kinh tế cửa khẩu. “Kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng chậm phát triển. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển không đồng đều, chủ yếu phát triển tại các địa phương có kinh tế phát triển”, ông Sơn nhận xét.
Có thể nhận thấy trong những năm qua, các loại cây ăn quả của Vùng được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nước ngoài và hiện đang giữ thị phần lớn tại các thị trường khu vực châu Á - châu Phi.
Từ những thế mạnh này, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tổ chức cho các DN tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài.
“Với thị trường truyền thống Trung Quốc, đề nghị các địa phương tổ chức định kỳ hàng năm hoạt động XTTM các sản phẩm có thế mạnh tại những tỉnh, thành còn nhiều dư địa như Bắc Kinh, Hà Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên…. Đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác với các DN nước ngoài trong khâu cải tiến mẫu mã, đóng gói sản phẩm phù hợp với tiêu chí các thị trường”, ông Hưng định hướng.
Hướng mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, Lào Cai sẽ tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại.
“Tỉnh phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các Bộ, ngành Trung ương tích cực nghiên cứu và xây dựng các khu cửa khẩu, khu công nghiệp, các mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do. Lào cai công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các DN; tạo quỹ đất sạch để thu hút sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động XTTM, đầu tư và du lịch”, ông Khánh đưa giải pháp.
Để hỗ trợ, thúc đẩy Vùng có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động XTTM, phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương trong Vùng cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, để cùng thống nhất, đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực, từ đó tham gia sâu vào các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp.
“Các địa phương, DN trong Vùng cũng cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các DN phải nâng cao năng lực để ra sân chơi lớn, bằng việc kết nối với hệ thống bán lẻ của nước ngoài để đưa sản phẩm của địa phương vào siêu thị”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vùng giai đoạn 2021 - 2023 vừa qua đạt mức tăng bình quân 15,6%/năm, đứng thứ 4 cả nước. Kết cấu hạ tầng thương mại Vùng được quan tâm đầu tư, các hình thức phân phối hàng hoá hiện đại bắt đầu phát triển.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong Vùng tăng nhanh, với 85 siêu thị và 29 trung tâm thương mại cùng sự hoạt động của trên 15.000 thương nhân có giao dịch thương mại điện tử. Xuất nhập khẩu của Vùng tuy nhỏ nhưng đã phát huy khai thác được lợi thế kinh tế biên mậu, cửa khẩu; tốc độ kim ngạch xuất khẩu Vùng tăng bình quân đến 14,9%/năm, đứng thứ 3 cả nước.