Xu thế tất yếu của giao thông đô thị
Ngày 22/2, trong chương trình công tác tại TP HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trải nghiệm thực tế tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP HCM. Sự kiện vừa có ý nghĩa chính trị, thông điệp về tầm nhìn, vừa lan tỏa giá trị văn hóa giao thông.
Đối với TP HCM, tuyến Metro số 1 không chỉ giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng phát triển không gian đô thị ra phía đông TP, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở TP HCM một cách bền vững.
Tương tự, tại Hà Nội, tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông, tuyến ga Hà Nội - Nhổn (hiện mới khai thác từ Nhổn đến Cầu Giấy), có ý nghĩa lớn với Thủ đô, cả về kinh tế và xã hội.
Không đô thị nào trên thế giới giải quyết được “bài toán” giao thông như ùn tắc, giảm phát thải, ô nhiễm môi trường... nếu phương tiện giao thông cá nhân phát triển một cách vô tội vạ. Lời giải “bài toán” là đầu tư hạ tầng giao thông khác mức, phát triển giao thông công cộng (GTCC) như xe bus, metro...
Trong chuyến trải nghiệm thực tế Metro số 1 ở TP HCM, hành trình từ ga Bến Thành đến ga Tân Cảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp gỡ, trò chuyện thân mật với Nhân dân trên tàu. Người dân phấn khởi chia sẻ cảm nhận với Tổng Bí thư khi được đi trên phương tiện GTCC hiện đại, rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển trong nội thành, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày rất lớn của người dân và góp phần nâng cao chất lượng sống.
Phát triển hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển Thủ đô Hà Nội (Nghị quyết 15-NQ/TW) và Nghị quyết về phát triển TP HCM (Nghị quyết 31-NQ/TW). Hai văn bản này đều nhấn mạnh đến nội dung đầu tư phát triển hệ thống GTCC có sức chở lớn, phát triển, khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị...
Đối với Hà Nội, theo Quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318km, Đối với TP HCM, định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045, sẽ có 355km metro vào năm 2035. TP cũng đặt mục tiêu hoàn thành 510km hệ thống metro vào năm 2045, thay vì vào năm 2060.
Tổng Bí thư Tô Lâm hết sức quan tâm đến phát triển GTCC ở Hà Nội và TP HCM. Tháng 11/2024, khi làm việc với với lãnh đạo Hà Nội, trong hàng loạt công việc trọng điểm của TP, Tổng Bí thư nhắc đến GTCC, môi trường đô thị.
Hệ thống metro là một trong những “chìa khóa” giúp giảm thiểu phương tiện cá nhân lưu thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm. Phát triển metro còn thúc đẩy việc sử dụng phương tiện GTCC, góp phần bảo vệ không gian sống và cảnh quan đô thị, văn minh đô thị tạo ra một môi trường sống trong lành và bền vững hơn.