Nông thôn mới, thắng lợi mới
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Long An đã tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, chương trình luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của chính quyền tỉnh Long An và các tổ chức chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới rõ nét.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh ước huy động được 100.744,3 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân được nâng cao |
Việc huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân. Đặc biệt, chiếm nhiều nhất trong nguồn vốn xây dựng NTM là vốn tín dụng, chiếm hơn 95%, tương đương 95.500 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành, địa phương cũng đã chủ động, tập trung lồng ghép có hiệu quả vốn của các dự án khác để xây dựng NTM với trên 3.400 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh thực hiện huy động nguồn lực từ người dân, cộng đồng và doanh nghiệp với trên 777 tỷ đồng. Vốn tín dụng 95.500 tỷ đồng.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt khoảng 67 triệu đồng, hộ nghèo chiếm 0,97%, cận nghèo chiếm 2,24%, lao động qua đào tạo đạt 70,8%, có 128/161 xã đạt tiêu chí (TC) giao thông, 141/161 xã đạt TC trường học, 152/161 xã đạt TC y tế, 141/161 xã đạt TC thu nhập, 154/161 xã đạt TC điện, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5%,...
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng (Ảnh: Văn Đát) |
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Diện mạo nông thôn của tỉnh có sự đổi mới rõ rệt; Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; Môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững.
Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường, dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển.
Mục tiêu xây dựng NTM phải nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; Kinh tế nông thôn phát triển mạnh; Xã hội nông thôn dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp”; Hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự ở nông thôn tiếp tục được củng cố.
Các thiết chế văn hóa xây dựng phục vụ nhu cầu người dân (Ảnh: Kiên Cường) |
Để tăng tốc xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra, trước đó, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu xây dựng NTM, đảm bảo hoàn thành trong năm 2023.
Theo đó, các Sở, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng NTM năm 2023.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo đạt, vượt chỉ tiêu xây dựng NTM được giao. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị chủ động liên hệ với Sở, ngành để có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Lê Hoàng Thái) |
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các Sở, ngành được giao quản lý, sử dụng vốn chương trình xây dựng NTM chủ động phối hợp với các ngành liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn; Đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đã được giao.
Lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu thực hiện không đạt các chỉ tiêu xây dựng NTM đã được giao; Kể cả chỉ tiêu vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được giao quản lý, sử dụng.
Toàn tỉnh Long An hiện có 121/161 xã đạt chuẩn NTM, (chiếm 75,2% số xã toàn tỉnh), đạt 85,2% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (kế hoạch là 142 xã); Đã có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 52,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (kế hoạch là 57 xã). Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Long An sẽ có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Tổng cộng đến hết năm 2023, tỉnh sẽ có 127/161 xã đạt chuẩn NTM, đạt 78,9% (kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 là 88,2% xã đạt chuẩn NTM); Năm 2023 sẽ thêm 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy đến nay, toàn tỉnh có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 24,8% (kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 là 40,1%). |